20 năm không hẳn là dài nhưng cũng không quá ngắn đối với quá trình hình thành và phát triển của một doanh nghiệp. Từ một cơ sở sản xuất với doanh số chỉ 10 tỷ đồng vào năm 1993, đến năm 2013, doanh số của KDC đã gấp 500 lần so với năm đầu tiên. Với Kinh Đô, chặng đường này cũng đã để lại nhiều dấu ấn giúp Tập đoàn bước tiếp trên hành trình “Vị hạnh phúc lên ngôi”.
Dấu ấn 20 năm
CTCP Kinh Đô (KDC) xuất phát điểm là một cơ sở nhỏ được thành lập từ năm 1993 là Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến Thực phẩm Kinh Đô. Đây là một xưởng sản xuất nhỏ với 70 công nhân và vốn đầu tư 1.4 tỷ đồng chuyên sản xuất và kinh doanh bánh snack. Chính quyết định táo bạo mang tính chiến lược này đã làm bước đệm quan trọng cho sự phát triển của Kinh Đô sau này. Doanh số trong năm đầu tiên này của Kinh Đô đạt 10 tỷ đồng.
Sau đó, vào năm 1994, KDC tăng vốn lên 14 tỷ đồng và nhập dây chuyền sản xuất từ Nhật Bản. Từ năm 1996 đến 2002, đánh dấu bước phát triển thần tốc khi Kinh Đô lần lượt xây dựng thêm các nhà máy và đầu tư các dây chuyền sản xuất bánh Cookies, bánh mì tươi, bánh Trung Thu, bánh Cracker, bánh bông lan, kem, sữa chua...
Đến năm 2001, Kinh Đô bắt đầu bắt đầu vươn ra thị trường thế giới bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản… Đồng thời, cũng trong năm này, Kinh Đô thành lập CTCP Chế biến Thực phẩm Kinh Đô miền Bắc, khẳng định bước ngoặt mở rộng hoạt động của công ty cùng hành trinh mang “vị hạnh phúc” phục vụ người tiêu dùng trên cả nước.
Bằng nội lực và uy tín thương hiệu, Kinh Đô cũng ghi dấu ấn tiên phong, nhạy bén trong hoạt động M&A với hàng loạt thương vụ hợp tác cùng các đối tác lớn cả trong và ngoài nước. Đánh dấu chặng đường mười năm thành lập công ty, Kinh Đô một lần nữa tạo tiếng vang bằng việc mua lại nhà máy sản xuất kem Wall’s của Unilever vào năm 2003, để mở rộng ngành hàng sản xuất kinh doanh. Với việc sở hữu nhà máy kem Wall’s, Kinh Đô trở thành một trong những doanh nghiệp trong nước đầu tiên mua lại nhà máy của một công ty đa quốc gia, khẳng định sự tiên phong và sức mạnh vượt trội của Kinh Đô. Đến nay, Kido’s vẫn giữ 60% thị phần kem trung và cao cấp, đồng thời mở rộng ra những ngách riêng của thị trường với các sản phẩm sữa chua dành cho trẻ em, kem ăn với các hương vị truyền thống phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 2 cho Kinh Đô
Vào năm 2004, nhận thấy khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán, CTCP Chế biến Thực phẩm Kinh Đô miền Bắc đã chính thức được niêm yết trên HOSE và làm bước đệm cho việc niêm yết Kinh Đô sau này. Sau khi Kinh Đô miền Bắc niêm yết thành công, Kinh Đô cũng chính thức lên sàn giao dịch với mã chứng khoán KDC. Cổ phiếu KDC chào sàn đã kéo theo nhiều biến chuyển mạnh mẽ. Kinh Đô liên tục nhận được sự đầu tư từ các quỹ lớn. đánh dấu bước chuyển mình cho giai đoạn Kinh Đô tăng tốc và mở rộng qui mô như hiện nay.
Năm 2006, nhà máy Kinh Đô Bình Dương được khởi công xây dụng với tổng vốn đầu tư 660 tỷ đồng và đưa vào hoạt động trong năm 2008.
Bước ngoặt tiếp theo đánh dấu chặng đường phát triển từ năm 2010-2012, Kinh Đô chính thức sáp nhập CTCP Kinh Đô Miền Bắc (NKD) và Công ty Kido vào CTCP Kinh Đô (KDC) và sau đó sáp nhập tiếp Vinabico. Trong thời gian này, KDC đã ký kết đối tác chiến lược với Công ty Ezaki Glico của Nhật Bản.
Thành quả hôm nay
Trải qua 20 năm phát triển, sản phẩm và thương hiệu Kinh Đô ngày càng phong phú và đa dạng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng từ những sản phẩm bánh kẹo hàng ngày, sản phẩm phục vụ việc thưởng thức, biếu tặng dịp Lễ - Tết đến các sản phẩm kem, sữa, sản phẩm từ sữa và mở rộng sang thực phẩm thiết yếu. Kinh Đô sẽ viết tiếp câu chuyện mang Hương vị hạnh phúc đến người tiêu dùng cho hành trình sắp tới.
Đến năm 2013, sau 20 năm hình thành và phát triển, Kinh Đô đã sở hữu mạng lưới với 300 nhà phân phối, 200,000 điểm bán lẻ và hệ thống phân phối hàng lạnh trên toàn quốc cùng 4 nhà máy và 5 công ty về thực phẩm tại Việt Nam. Ngoài ra, sản phẩm Kinh Đô đã thâm nhập và phân phối rộng rãi đến hơn 30 quốc gia trên thế giới. Cùng với sự phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, Kinh Đô đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, chia sẻ “Vị hạnh phúc” đến cộng đồng bằng các chương trình xã hội thiết thực. Hai mươi nămvới sứ mệnh mang “Vị hạnh phúc” phục vụ mọi người, Kinh Đô đã trở thành Thương Hiệu Quốc Gia, là biểu tượng cho sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, ngày càng gần gũi và gắn bó với sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Cùng với sự lớn mạnh về qui mô, Công ty cũng đã xây dựng những bước đi chắc chắn cho chặng đường tăng trưởng tiếp theo và cả hành đưa thương hiệu Kinh Đô vươn ra quốc tế.
Hiện thị phần các sản phẩm của Kinh Đô bao gồm bánh cookies (bánh bơ) chiếm 27%, bánh crackers 56%, bánh mì tươi 55% và đặc biệt bánh trung thu chiếm đến 76% toàn thị trường. Trong suốt 20 năm hoạt động, Kinh Đô luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 20 - 30%/năm, và được đánh giá là công ty hoạt động hiệu quả nhất trong ngành bánh kẹo của Việt Nam.
ĐVT: tỷ đồng
Vốn điều lệ của Tập đoàn tăng liên tục qua các năm từ mức 1.4 tỷ năm đầu tiên thành lập 1993 lên gần 1,700 tỷ đồng vào cuối quý 3/2013. Doanh thu của Kinh Đô có tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 15-20%. Đóng góp nhiều nhất vào cơ cấu doanh thu của Tập đoàn là sản phẩm cracker, kế tiếp là kem, sữa chua, bánh bông lan, bánh trung thu và bánh mì.
Sơ đồ tỷ lệ lãi gộp qua các năm của KDC, BBC, HHC
Một trong những thành công của KDC là việc kiểm soát được chi phí nguyên vật liệu giúp tỷ lệ lợi nhuận gộp tăng đáng kể qua các năm, góp phần tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh cho Kinh Đô. Trong khi giá bình quân nguyên liệu đầu vào giảm và giá bán không giảm, việc kiểm soát chi phí sản xuất đã giúp biên lợi nhuận gộp trong những năm gần đây của Kinh Đô tăng vọt lên 44% vào năm 2012. Bên cạnh đó, với sản phẩm đa dạng có mặt trên tất cả mọi phân khúc giúp Tập đoàn vươn lên dẫn đầu trên thị trường bánh kẹo.
Hoạch định tương lai
Nối tiếp những thành quả đã đạt được trong suốt chặng đường 20 năm qua, Kinh Đô sẽ vẫn bước đi theo định hướng tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thực phẩm với chiến lược “Thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu (Food & Flavor)”.
Với định hướng đã đặt ra, bên cạnh việc đa dạng hóa trong ngành thực phẩm, Kinh Đô sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Ngoài ra, Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục chiến lược M&A với các công ty cùng ngành trong lĩnh vực thực phẩm và đẩy mạnh liên kết hợp tác với các đối tác nước ngoài. Trong thời gian tới, Kinh Đô sẽ tung một số sản phẩm mới, hướng đến phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng cũng như tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực nhằm khai thác tối đa hệ thống phân phối và đầu tư vào thương hiệu.
Bên cạnh thành công đạt được, Kinh Đô vẫn luôn đề cao trách nhiệm cộng đồng, quan tâm đến đời sống cán bộ công nhân viên và lợi ích của người tiêu dùng cũng như nhà đầu tư. Đây là một phần không nhỏ giúp tạo nên hình ảnh và thương hiệu của Kinh Đô ngày nay. Kỳ vọng của Ban lãnh đạo KDC trong chặng đường mới là Tập đoàn sẽ phát triển vươn tầm quốc tế và thương hiệu Kinh Đô mãi trường tồn.
Theo vietstock.vn