HĐQT Công ty Kinh Đô (KDC-HOSE) vừa công bố chiến lược năm 2011 của Tập đoàn. Đó là tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực phẩm và mục tiêu doanh thu năm nay là 4.200 ty đồng. TBKTVN có cuộc trò chuyện với ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám Đốc KDC.

 

Sau khi sáp nhập NKD và KiDO vào KDC, kết quả kinh doanh năm 2010 của Tập đoàn thế nào, thưa ông?


Ông Trần Lệ Nguyên CEO Tập đoàn Kinh Đô

Sau sáp nhập, với vị thế mới, Kinh Đô đã có tiếng nói “nặng ký” hơn khi đàm phán với nhà cung cấp, nhà phân phối, đối tác…Còn trong nội bộ, các công ty mới vừa sáp nhập được hỗ trợ nhiều về vốn, kỹ thuật, nhân sự, quản lý... giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, mang lại hiệu quả cao hơn cho Tập đoàn. Tổng doanh thu ngành thực phẩm hợp nhất của Tập đoàn đạt 3.317 đồng, lợi nhuận trước thuế là 420 tỷ đồng. Chúng tôi dự kiến doanh thu năm 2011 sẽ tăng lên 4.200 tỉ và lợi nhuận là 500 tỉ đồng. Mục tiêu của Tập đoàn giai đoạn 2011-2015 là tăng trưởng bình quân 30%/năm và dự kiến đến năm 2015, chưa kể đến doanh số sáp nhập thêm thành viên mới, doanh thu của Tập đoàn sẽ đạt mốc trên 10.000 tỷ đồng.

Năm 2010, KIDO với số vốn điều lệ chỉ 69 tỉ đồng nhưng đạt doanh thu đến 463 tỉ đồng và lợi nhuận 74 tỉ đồng, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong Tập đoàn. Liệu KIDO sẽ được KDC quan tâm đặc biệt trong giai đoạn sắp tới hay không?

Chúng tôi xác định kem và các sản phẩm từ sữa vẫn là các ngành hàng chủ đạo của KIDO trong 3 năm tới, và tập đoàn cũng đã ủng hộ kế hoạch đầu tư khoảng 10 triệu USD để mở rộng sản xuất kinh doanh của KIDO. Hiện nay, Ki Do chiếm gần 60% thị phần kem và lợi nhuận từ công ty này dự kiến tiếp tục khởi sắc khi tiềm năng ngành kem tại thị trường Việt Nam còn khá lớn. Ngoài ra, trong chiến lược tập trung vào ngành thực phẩm, chúng tôi cũng sẽ đầu tư dây chuyền bánh kẹo, nhà xưởng tại nhà máy Bình Dương, mở rộng sản xuất tại NKD, Vinabico…

Vậy sau sáp nhập, KDC vẫn tiếp tục đứng đầu ngành thực phẩm Việt Nam?

Trong ngành bánh kẹo, số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường quốc tế cho thấy Kinh Đô đang dẫn đầu. Sau sáp nhập, Kinh Đô chính thức bước sang lĩnh vực kem và các sản phẩm từ sữa. Ở quy mô mới, Kinh Đô trở thành một trong những tập đoàn thực phẩm hàng đầu Việt Nam và mục tiêu chiến lược là trở thành tập đoàn thực phẩm hàng đầu khu vực vào năm 2020.

Còn một ngành hàng nữa cũng đang rất tiềm năng là sản phẩm từ sữa thì sao, thưa ông?

Kinh Đô đã tham gia vào thị trường sản phẩm từ sữa với các nhãn Yogurt Wel Yo, Wel Yo Kid đã được người tiêu dùng đánh giá cao. Theo kế hoạch, trong quý 2/2011, chúng tôi sẽ tung ra khoảng 20 sản phẩm mới. Hỗ trợ cho các đợt tung hàng là Kinh Đô đã xây dựng được kênh phân phối phủ rộng toàn quốc, với trên 200 nhà phân phối và 120.000 điểm bán lẻ cho ngành hàng thực phẩm và 65 nhà phân phối cùng hơn 30.000 điểm bán kem và sản phẩm từ sữa. Không chỉ đơn thuần là nhà cung cấp, Kinh Đô còn xây dựng cả một chuỗi giá trị mang tính liên kết với nhà cung cấp và nhà phân phối. Chẳng hạn, chúng tôi giúp nhà phân phối làm tốt hơn công việc của họ, đẩy mạnh doanh số, đem lại lợi nhuận cao hơn và gắn bó lâu dài với Kinh Đô hơn. Chuỗi giá trị này chính là thách thức rất lớn đối với các đối thủ của Kinh Đô.

Về kế hoạch phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDRs) đang làm “nóng” mặt báo những ngày gần đây, ông Trần Lệ Nguyên cho biết, cổ đông của KDC đã thông qua tờ trình phát hành 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ nhằm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh thực phẩm và ủy quyền cho HĐQT quyết định chọn đối tác chiến lược.

Dự kiến KDC sẽ phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Đối tác sẽ dùng số cổ phiếu này để phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDRs) niêm yết tại TTCK nước ngoài. Việc phát hành này còn có ý nghĩa trong việc giới thiệu hình ảnh và tăng thêm uy tín của  Kinh Đô trên thị trường quốc tế.

Tại ĐHCĐ 2011 mới đây, KDC công bố chiến lược định hướng của Kinh Đô năm 2011 là tăng trưởng nhanh và khác biệt. Tăng trưởng nhanh bằng cách nào và khác biệt ra sao, thưa ông?

Nhân bản là một trong những cách để tăng trưởng nhanh. Kinh Đô đã xây dựng được một quy trình chuẩn, vững chắc từ trong ra ngoài để giúp việc nhân bản qua sáp nhập và mở rộng hoạt động trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Chúng tôi sẽ tiến hành sáp nhập Vinabico, sau đó là Kinh Đô Sài Gòn Bakery và các công ty thực phẩm khác.

Kinh Đô có đội ngũ đã sẵn sàng cho những đột phá, nền tảng tài chính vững chắc, quy trình vận hành và kiểm soát chuẩn mực, công nghệ quản lý vượt trội và hệ thống phân phối bao phủ. Kinh Đô sẽ tìm sự tăng trưởng ở những phân khúc nhu cầu thực phẩm chưa được đáp ứng, những thị trường chưa được đáp ứng đủ và những sản phẩm sẽ đáp ứng nhu cầu trong tương lai của thị trường. Một mô hình hoạt động cho phép tối đa hóa lợi nhuận, tối ưu hóa chi phí và hợp lý hóa việc sử dụng tài sản sẽ là điều cổ đông tìm thấy ở Kinh Đô năm 2011 và những năm sắp tới.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam