Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đang bao phủ toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi quốc gia, từng doanh nghiệp và mỗi cá nhân khiến bức tranh tổng kết cuối năm có màu sắc ảm đạm. Tập đoàn Kinh Đô cũng không phải ngoại lệ.
Trong bối cảnh đó, TBKTSG trò chuyện với ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc tập đoàn Kinh Đô, nhân kỷ niệm 15 năm thành lập công ty.
TBKTSG: Kỷ niệm 15 năm thành lập của Kinh Đô lại rơi đúng vào thời điểm khủng hoảng kinh tế, ông có cảm giác thế nào về sự trùng hợp này?
- Ông Trần Lệ Nguyên: Từ ngày khởi nghiệp làm ăn, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ “sống” trong một cuộc suy thoái và khủng hoảng kinh tế trầm trọng, với quy mô toàn cầu thế này. Cuộc khủng hoảng tự nó đã mang lại cho doanh nghiệp nhiều bài học bổ ích về quản trị, chiến lược phát triển…, giúp doanh nghiệp cơ hội nhìn lại mình.
Khi nhìn lại, ông nhận ra những gì?
Dĩ nhiên không ai đủ tài giỏi để dự báo hay đánh giá được hết mọi chuyện, cho nên trong làm ăn không thể không nói đến sự may mắn, một yếu tố cực kỳ quan trọng.
Về phía Kinh Đô, có may mắn là sản xuất kinh doanh vẫn ổn định nhờ những bước đi căn cơ từ ngày đầu thành lập. Năm nay, doanh số trong toàn hệ thống đạt trên 3.000 tỉ đồng, lãi 40%, tương đương 300 tỉ đồng và dù đạt xấp xỉ 90% kế hoạch năm nhưng vẫn trích 40 tỉ đồng cho dự phòng tài chính.
Nếu có thể nói đến “một bài học” thì đó chính là sự nóng vội, muốn phát triển nhanh, nhưng nhìn lại có những cái chưa “chín” lắm. Tuy nhiên, cũng có điều tâm đắc khi ngay từ đầu, trong chiến lược, chúng tôi đã đề ra cơ cấu 7/3 cho đầu tư phát triển giữa ngành nghề chính và các lĩnh vực khác. Thực tế, Kinh Đô đầu tư tài chính, bất động sản… vẫn chưa đến 3. Do vậy không có gì đáng ngại!
Không bị ảnh hưởng nhiều nhưng chắc phải có sự điều chỉnh chiến lược?
- Đúng vậy. Đang suy thoái, sức mua kém, sản xuất cái gì, làm gì, phải tính. Hiện chúng tôi phải ngưng những dự án chưa thật cần thiết. Dự án Trung tâm Thương mại Hùng Vương đã hoạt động, hàng tháng cũng thu được gần 20 tỉ đồng tiền thuê mặt bằng. Sắp tới chúng tôi có thêm vài dự án khác nữa. Nhà máy ở Bình Dương, được đầu tư gần 400 tỉ đồng với hệ thống sản xuất hiện đại, sẽ khánh thành vào đầu tuần tới. Tất cả góp phần cho hoạt động của công ty ổn định.
Có thể nói đến một phương châm nào đó giữa lúc khó khăn này không?
- Cần nhất là an toàn. Giữa biển khơi, sóng gió tứ bề, không biết nguy cơ đến từ hướng nào, càng đòi hỏi bản lĩnh của chủ doanh nghiệp, làm sao tàu đừng bị lật mà vô tới bờ an toàn, mọi người đều “sống”. Cho nên điều quan trọng là Kinh Đô vẫn sản xuất bình thường, không có ai phải nghỉ việc, Tết vẫn có thưởng, cổ phiếu vẫn được chia cổ tức với tỷ lệ 18% như nghị quyết của đại hội đồng cổ đông…
Tôi thường khuyên anh em hãy quên đi giá trị cổ phiếu lúc thị trường chứng khoán “nóng” trước đây và hãy bằng lòng với thực tại bởi nhiều doanh nghiệp khác còn khó khăn hơn mình gấp bội. Thời điểm này không nên nghĩ chuyện phát triển mà là củng cố doanh nghiệp.
Ngoài lĩnh vực chính là thực phẩm, Kinh Đô còn đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản, mua lại doanh nghiệp… Ông đánh giá từng mảng đầu tư trên như thế nào?
- Năm 1993, là cơ sở nhỏ. Năm 1996, phát triển quy mô công nghiệp, tự động hóa với nhà máy mới ở Thủ Đức. Năm 2000, phát triển thị phần phía Bắc, đầu tư nhà máy ở Hải Dương. Năm 2004-2005, niêm yết cổ phiếu Kinh Đô miền Bắc (NKD) và miền Nam (KDC)...
Nhắc lại một chút để thấy, Kinh Đô luôn dự báo và phát triển theo xu thế chung của xã hội, của nền kinh tế. Và khi đã đứng được trong ngành bánh kẹo thì mở thêm ngành phụ như kem ăn, nước giải khát, thực phẩm dinh dưỡng… để chúng hỗ trợ nhau về tài chính, về phát triển thị phần, sản phẩm, phân phối...
Vả lại, khi phát hành cổ phiếu, cầm tiền trong tay, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đi đầu tư, mở rộng hoạt động, tìm khả năng sinh lợi cao nhất và đương nhiên có rủi ro. Kem Kido’s là một thành công của hướng đi đó. Có đầu tư cũng chưa thật sự hiệu quả như với Tribeco là do rơi vào thời điểm xấu, ngoài dự báo. Tuy nhiên, với thương hiệu tốt như Tribeco thì về lâu dài vẫn là hướng đầu tư đúng, khả năng phát triển cao.
Khi đầu tư vào Vinabico, chúng tôi nhắm vào dòng sản phẩm cho thị trường nông thôn và vùng sâu vùng xa, nơi sản phẩm Kinh Đô vẫn chưa vươn tới. Rồi tham gia vào ngành dinh dưỡng với Nutifood hay đầu tư vào Eximbank… Tất cả đều có liên quan nhau.
Còn lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng do đầu tư quá sâu. Với Kinh Đô thì sao?
- Ngoài dự án Hùng Vương đang khai thác, chúng tôi còn có các dự án như Hiệp Bình Phước, Vimex, chợ Tân Bình, Cộng Hòa… Có dự án đã hoặc đang chuẩn bị triển khai, có dự án phải tạm hoãn. Đó là không kể những dự án chưa xong thủ tục nên chưa công bố.
Nhìn chung, dù thị trường địa ốc đang “đóng băng” nhưng những dự án của Kinh Đô vẫn có tiềm năng vì đó là những dự án cao ốc văn phòng hay trung tâm thương mại, khu phức hợp… đều là những mảng đang có nhu cầu rất lớn. Với những dự án như khu công nghiệp hay hệ thống bán lẻ, chúng tôi phải hoãn lại, do tình hình chưa tốt. Bây giờ, điều quan trọng nhất là đừng mắc nợ, đừng đi vay; tập trung xây dựng bộ máy, đầu tư nguồn nhân lực... Chúng tôi có cái may là hiện tại, trong toàn hệ thống, không thành viên nào vướng chuyện nợ nần.
Theo ông, khó khăn sẽ kéo dài đến khi nào?
- Theo tôi, từ quí 2-2009, tình hình sẽ khả quan hơn và có thể nói Việt Nam sẽ vượt qua nhanh hơn các nước khác vì là nước đang phát triển, vẫn xài tiền mặt là chính nên chưa bị vướng vào “tín dụng” như các nước phát triển với các chương trình mua trả góp nhà - xe - hàng tiêu dùng… mà giá trị cho vay đến trên 70% với thời hạn 30-40 năm.
Vấn đề là doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt để chờ thời cơ phát triển xuất hiện. Còn ngay lúc này tôi thấy doanh nghiệp nước ngoài đã tranh thủ “vào” rất nhiều do giá nhiều loại cổ phiếu quá thấp, nên cạnh tranh sẽ càng gay gắt hơn. Nói đâu xa, một tập đoàn nước ngoài vừa đề nghị tham gia phát triển ngành kem ăn với Kinh Đô đó thôi.
Theo Thời báo Kinh Tế Sài Gòn