Theo báo cáo của công ty cổ phần Báo Cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), với tựa đề "Kinh tế Việt nam qua góc nhìn doanh nghiệp hàng đầu", có 19% lãnh đạo doanh nghiệp thuộc V1000 (Top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất) cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh 2012 tốt hơn 2011, đây là điểm sáng kích lệ tinh thần cộng đồng doanh nghiệp trước thềm năm mới. Báo Đầu Tư xin giới thiệu một số gương mặt đã nỗ lực "vượt bão" thành công trong một năm đầy sóng gió.

Kinh Đô: Trở về giá trị cốt lõi và chiến lược "Kinh Đô +"

Sau khi từng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản (BĐS), đầu tư tài chính, năm 2012 đánh dấu một bước ngoặt lớn của CTCP Kinh Đô trong nỗ lực tái cơ cấu bằng cách thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Bên cạnh đó, sự hợp tác với các tập đoàn bánh kẹo nước ngoài đang mở ra một hướng phát triển mới cho Kinh Đô hướng tới ngôi vương trong ngành Thực Phẩm.

Quay lại giá trị cốt lõi

Tại thị trường nội địa, thương hiệu Kinh Đô không chỉ nổi tiếng với sản phẩm bánh kẹo cao cấp mà còn gắn với các thương vụ M&A đình đám. Cụ thể năm 2003, Kinh Đô là công ty Việt Nam mua lại một công ty 100% vốn nước ngoài qua việc mua lại kem Wall’s từ Unilever. Năm 2005, Kinh Đô tiếp tục tạo tiếng vang lớn trên TTCK lúc đó bằng việc nhận chuyển nhượng lại gần 38% vốn cổ phần của CTCP Nước Giải Khát Sài Gòn – Tribeco. Trong giai đoạn 2006- 2007 Kinh Đô tiếp tục mua 30% cổ phần của CTCP Dinh dưỡng Đồng Tâm- Nutifood; nắm 51% cổ phần tại CTCP Vinabico… Giai đoạn này khi TTCK và thị trường BĐS thăng hoa, cũng như phần lớn các công ty niêm yết lúc đó, Kinh Đô không đứng ngoài xu hướng đầu tư đa ngành qua việc mua cổ phần của Ngân hàng Eximbank, góp vốn đầu tư vào các dự án BĐS. Không lâu sau đó, sự trượt dốc của TTCK tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp niêm yết, trong đó có Kinh Đô

Nhận thức vấn đề, Kinh Đô có những bước điều chỉnh chiến lược hợp lý. Một số dự án BĐS, Kinh Đô mau chóng rút chân ra sớm qua việc chuyển nhượng vốn góp cho đối tác thứ 3 vào năm 2009. Trong hoạt động kinh doanh chính, năm 2010 là cột mốc đáng nhớ với Kinh Đô khi sáp nhập CTCP Kinh Đô Miền Bắc (NKD) và công ty CP Ki Do vào CTCP Kinh Đô (KDC). Tuy nhiên trong năm 2012 mới thực sự đánh dấu nỗ lực của Công ty trong việc quay lại các giá trị cốt lõi khi Kinh Đô cùng lúc thoái vốn tại Nutifood và Tribeco. Quyết tâm của Kinh Đô được thể hiện bằng việc dũng cảm “cutloss” khoản đầu tư vào Nutifood dù động thái này khiến kết quả kinh doanh quý II/2012 của KDC bị ảnh hưởng. Tuy nhiên đến Quý III, kết quả kinh doanh của KDC đạt khá ấn tượng, lợi nhuận sau thuế tăng 42,8%, đạt 318 tỷ đồng.

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Kinh Đô từng thẳng thắn nhìn nhận, tại thị trường nội địa Kinh Đô tiên phong trong các hoạt động M&A như mua lại Kem Wall, mua lại Vinabico, nắm cổ phần lớn tại Tribeco. Vì vậy nếu một vài thương vụ có sự gắn kết chưa ăn ý cũng là bình thường. Quyết tâm quay lại giá trị cốt lõi của Kinh Đô đã có hiệu quả. Bất chấp các khó khăn chung từ môi trường kinh doanh, nếu như năm 2011 là năm Kinh Đô đạt mức tăng trưởng về doanh thu rất cao lên tới 32% thì năm 2012 Kinh Đô tập trung hiệu cho quả hoạt động và kiểm soát chi phí tốt hơn để đạt được kết quả lợi nhuận như mong đợi. Dự kiến năm 2013 là năm mà Kinh Đô sẽ tăng trưởng về quy mô không chỉ là doanh số bán hàng mà còn khả năng sinh lời. Đánh giá về quyết tâm tái cơ cấu của Kinh Đô, Bộ phận Phân tích CTCK HSC nhận xét “với việc thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh ngoài ngành và tiếp tục dành được thị phần trong ngành kinh doanh chính, công ty sẽ được hưởng lợi và tăng trưởng mạnh  khi nền kinh tế phục hồi”.

Cuộc hôn nhân ngoại

Cùng lúc khi cắt bỏ dứt điểm các khoản đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, Kinh Đô chính thức công bố hợp tác với Ezaki Glico- Tập đoàn bánh kẹo lớn của Nhật Bản. Trong thông cáo báo chí chính thức được phát đi, Kinh Đô cho biết, nhiều kế hoạch liên kết chi tiết với Tập đoàn bánh kẹo Nhật Bản Ezaki Glico. Cụ thể, đầu quý IV/2012, Kinh Đô đưa Pocky - sản phẩm snack que cao cấp khá nổi tiếng tại Nhật Bản - bổ sung vào danh mục sản phẩm được bán lẻ qua hệ thống của Kinh Đô. Hiện nay sau gần một quý triển khai, sản phẩm của Glico đã có mặt tại hầu hết các siêu thị trên toàn quốc và bắt đầu có mặt tại các cửa hàng tại Tp. HCM. Các hoạt động quảng cáo hỗ trợ cho việc bán hàng cũng đã được triển khai vào đầu tháng 12 vừa qua. Theo kế hoạch, hai bên sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động quảng bá và bán hàng trong năm 2013.
Đây là kế hoạch hợp tác khá tham vọng. Sau sản phẩm được khách hàng trẻ tuổi tại nhiều thị trường châu Á ưa chuộng này, dự kiến Kinh Đô sẽ phân phối các sản phẩm bán chạy khác như Pretz, Collon (thuộc dòng hàng snack) và Alfie (thuộc dòng chocolate) của Glico

Cần phải nhắc lại là vào tháng 2/2012, Ezaki Glico và Kinh Đô đã đặt bút ký vào văn bản hợp tác chiến lược. Để sở hữu 14 triệu cổ phần KDC, hãng bánh kẹo có tuổi đời 90 năm chấp nhận trả cho Kinh Đô mức giá gần gấp đôi so với thị giá cổ phiếu KDC thời điểm đó. Thương hiệu và mạng lưới phân phối rộng khắp là các thế mạnh của Kinh Đô khiến đối tác Nhật phải trả mức giá cao như vậy để đưa sản phẩm vào Việt Nam. Về mối lương duyên này, ông Katsuhisa Ezaki, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Ezaki Glico không dấu giếm: “Hợp tác với Kinh Đô, chúng tôi mong mỏi được chia sẻ lợi ích từ vị trí dẫn đầu của Kinh Đô và sở hữu ngay một mạng lưới phân phối mạnh nhất trong lĩnh vực bán lẻ để giới thiệu mở rộng sản phẩm tại Việt Nam”.

Chiến lược “Kinh Đô +”

Theo giới chuyên môn nhìn nhận sản phẩm của ngành bánh kẹo mà Kinh Đô đang đeo đuổi không phải là sản phẩm thiết yếu và có nhiều sự lựa chọn thay thế. Sau 20 năm phát triển, không còn rộng dư địa để tiến nhanh như những năm đầu. Nét khác biệt của Kinh Đô với các đối thủ cạnh tranh là Công ty có thương hiệu mạnh và kênh phân phối rộng khắp. Mạng lưới này chỉ được khai thác hết công suất vào một vài thời điểm trong năm như mùa Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán. Nâng cao hiệu suất khai thác kênh phân phối trong thời gian còn lại của năm hứa hẹn tạo nên một hướng đột phá mới cho Kinh Đô, góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận.

Gần đây, Kinh Đô không dấu giếm tham vọng mở rộng danh mục sản phẩm sang các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như mì gói và dầu ăn…. Chiến lược mở rộng sản phẩm này của Kinh Đô có thể gọi tên là “Kinh Đô+”: Kinh Đô tung các sản phẩm mới ra thị trường nhưng không đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất mà hợp tác với một nhà sản xuất khác, được phân phối dưới mạng lưới của mình.

Với các chuyển dịch mới đây, lãnh đạo Kinh Đô cho biết về định hướng, Tập đoàn Kinh Đô vẫn sẽ luôn tập trung phát triển ngành hàng kinh doanh chủ lực của công ty là thực phẩm bánh kẹo. Để gia tăng tốc độ tăng trưởng, ngoài những sản phẩm đang kinh doanh, Tập đoàn tiếp tục thâm nhập và tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một số ngành hàng khác theo chiến lược Food & Flavor.

Chiến lược này nhằm mục đích mở rộng chuỗi sản phẩm, phục vụ nhu cầu thiết yếu của mọi người và tăng thêm sự hiện diện sản phẩm trong đời sống người dân. Kinh Đô sẽ tập trung vào những ngành hàng mang lợi nhuận cho công ty, quy mô không chỉ là doanh số bán hàng mà còn khả năng sinh lời hay nói khác hơn là tăng trưởng có lợi nhuận. Sau nỗ lực tái cấu trúc và chọn con đường hợp tác chiến lược với đối tác ngoại, Kinh Đô dường như đang sung sức để bước vào hành trình mới.

Theo Đầu Tư