Ngày 15/12 vừa qua, Công ty Kinh Đô đã long trọng kỷ niệm 15 năm thành lập và khánh thành nhà máy Kinh Đô Bình Dương. Nhà máy được xây dựng hiện đại, đáp ứng yêu cầu khu vực và quốc tế theo tiêu chuẩn GMP trên diện tích 9 ha với tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng. Sau 15 năm phát triển, từ một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, Kinh Đô đã trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành với 11 công ty thành viên, 8 nhà máy sản xuất chuyên ngành thực phẩm bánh kẹo, kem, nước giải khát, đầu tư kinh doanh bất động sản... với tổng vốn điều lệ hơn 2.258 tỷ đồng.
Vị trí số 1 trong ngành thực phẩm, bánh kẹo
Tổng kết chặng đường 15 năm phát triển, Tổng Giám Đốc Trần Lệ Nguyên cho biết: tập đoàn có tốc độ tăng trưởng bình quân trong những năm đầu rất cao, có năm tăng 200% năm. Trong 5 năm gần nhất, Kinh Đô đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 30% năm, khá cao so với mức tăng trưởng của các doanh nghiệp cùng ngành sản xuất và chế biến thực phẩm.
Về hệ thống phân phối, điểm mấu chốt đánh dấu thành công của các tập đoàn bán lẻ, Kinh Đô đã xây dựng thành công hệ thống phân phối rộng khắp nước với 32 Kinh Đô Bakery, hơn 200 nhà phân phối và 75.000 điểm bán lẻ bánh kẹo; 335 nhà phân phối và 104.000 điểm bán lẻ nước giải khát; 70 nhà phân phối và 15.000 điểm bán lẻ kem và các loại thực phẩm lạnh.
Kinh Đô hướng đến mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân
Sau 15 năm thành lập, mô hình tập đoàn Kinh Đô đã hình thành với 11 công ty thành viên, hoạt động trong các lĩnh vực thực phẩm, đầu tư kinh doanh bất động sản. Tổng vốn điều lệ hiện nay của Tập đoàn 2.258 tỷ đồng, trong đó có 9 công ty với 8 nhà máy hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các loại thực phẩm như bánh kẹo, nước giải khát, kem, sữa và các sản phẩm từ sữa; 3 doanh nghiệp trong số này đã niêm yết trên thị trường chứng khoán với các mã cổ phiếu KDC, NKD và TRI.
Khi nhiều tổ chức kinh doanh tại Việt Nam cùng hướng đến mô hình tập đoàn, Kinh Đô hiện thực quyết tâm này bằng những mục tiệc và nỗ lực cụ thể. Hiện nay, Kinh Đô đang tập trung củng cố nội lực một cách toàn diện thông qua việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu (CI), triển khai ứng dụng Balance Codecard, phần mềm SAP – ERP, tổ chức các khóa đào tạo MBA cho cán bộ quản lý, nhân viên, nâng cao hệ thống quản lý chất lượng ISO... nhằm chủ động chuẩn bị tốt về mọi mặt, đưa công ty phát triển vững chắc và tiếp tục tăng trưởng tốt trong tương lai. Mục tiêu của Kinh Đô là duy trì vị trí đứng đầu ngành thực phẩm, đảm bảo tốc độ tăng trưởng 30%/năm.
Đặc biệt, kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2008 với nhiều khó khăn, biến động của tình hình kinh tế trong nước và thế giới đã một lần nữa khẳng định tầm nhìn đúng đắn, nền tảng và tiềm lực phát triển ổn định, bền vững của công ty Kinh Đô. Tổng doanh thu của Tập Đoàn trong lĩnh vực thực phẩm năm 2008 dự kiến đạt trên 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến đạt 300 tỷ đồng. Nhà máy Kinh Đô Bình Dương do KDC đầu tư và doanh số KDC năm 2008 dự kiến đạt 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trong năm nay ước đạt hơn 200 tỷ đồng.
Thành công trong lĩnh vực bất động sản
Xây dựng mô hình tập đoàn, nhiều doanh nghiệp bước từ lĩnh vực kinh doanh truyền thống ra các lĩnh vực nhiều tiềm năng tại Việt Nam trong đó Kinh Đô đã gặt hái thành công ở lĩnh vực bất động sản.
Có thể kể đến dự án thành công mang thương hiệu Kinh Đô như khu biệt thự tại Huyện Thuận An - Bình Dương trên diện tích 5,5ha với 70 căn biệt thự, khu phức hợp Hùng Vương Plaza gồm trung tâm thương mại và 276 căn hộ cao cấp cao 29 tầng (dự án này đang hoạt động với hiệu quả rất cao), Dự án căn hộ chung cư Hiệp Bình Phước trên 51.000 m2 nền nhà máy cũ, Kinh Đô đã xin được giấy phép và dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới.
Theo Báo Đầu Tư Chứng Khoán