Với Kinh Đô, con đường để đi đến đích, đến “sự phát triển bền vững”, theo Tổng giám đốc Trần Lệ Nguyên, không gì hơn chính là chiến lược quay về với giá trị cốt lõi của tập đoàn: ngành thực phẩm.
Trong câu chuyện vào những ngày đầu năm 2013, Tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, ông Trần Lệ Nguyên đã ví von vai trò lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay như một thuyền trưởng. Ngoài nhiệm vụ chèo chống để con thuyền vững vàng trước sóng to gió lớn, vị thuyền trưởng này còn phải đưa bằng được con thuyền tiến nhanh và an toàn về phía trước.
Chúng tôi chọn cách quay trở lại giá trị cốt lõi để phát triển bền vững - TGĐ Tập đoàn Kinh Đô phát biểu |
* Xin mở đầu bằng một câu hỏi nhìn lại: Năm 2012 với Kinh Đô và cá nhân ông, đó là một năm như thế nào, thưa ông?
- Năm 2012, chúng tôi tập trung rà soát mọi thứ, từ cơ hội và thách thức đến xây dựng hệ thống vận hành thật tốt, một mặt đảm bảo hiệu quả hoạt động của Tập đoàn và quan trọng hơn là chuẩn bị cho sự tăng trưởng trong năm 2013. Tình hình kinh tế năm 2012, không nói thì cũng đã rõ, khó khăn với tất cả các doanh
nghiệp ở nhiều ngành hàng, chứ không riêng gì ngành thực phẩm.
Trong bối cảnh đó, Kinh Đô vẫn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận đã hứa với cổ đông trong năm qua là 500 tỷ đồng. Năm qua, trong khó khăn, chúng tôi vẫn tích cực tìm kiếm và khai thác cơ hội từ thị trường, tập trung xây dựng hệ thống vận hành để sẵn sàng tăng tốc và khai thác thêm những ngành hàng mới
trong năm 2013.
* Ông có thể chia sẻ quan điểm cá nhân về sự “phát triển bền vững” của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay?
- Tôi quan niệm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp được xây dựng trên hai nền tảng. Thứ nhất, phải tập trung khai thác tốt nền tảng kinh doanh cốt lõi và có chiến lược quản trị tốt. Thứ hai, phải xây dựng hệ thống vận hành tốt.
* Ông có thể nói chi tiết hơn về “giá trị cốt lõi” mà Tập đoàn Kinh Đô đang hướng tới?
- Hiện nay Tập đoàn Kinh Đô chỉ tập trung nguồn lực cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thực phẩm. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn người tiêu dùng không chỉ biết Kinh Đô qua các sản phẩm bánh kẹo, kem, sữa và sản phẩm từ sữa mà còn có các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Đa dạng sản phẩm trong ngành hàng thực phẩm chính là chúng tôi đang hướng tới sự chuyên nghiệp trong việc phục vụ nhu cầu thị trường. Ngoài ra, đó cũng là cách Kinh Đô khai thác tối đa tính hiệu quả của hệ thống phân phối mà hiện nay chúng tôi đã xây dựng rất tốt.
* Khi “lấn sân” vào thị trường mỳ gói, dầu ăn, nước chấm..., liệu đó có phải là cách “tuyên chiến” của Kinh Đô với các “đại gia” trong ngành này không, thưa ông?
- Ồ không! Chúng tôi không hề có ý đó. Đã xác định quay về với giá trị cốt lõi của mình là ngành thực phẩm, Kinh Đô sẽ tập trung nghiên cứu, đầu tư và cho ra đời những dòng sản phẩm liên quan đến thực phẩm. Tung ra thị trường những sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, Kinh Đô hướng đến việc đa dạng, mở rộng chuỗi sản phẩm và tăng thêm sự hiện diện của sản phẩm trong đời sống người dân. Một khi tham gia vào ngành hàng mới, chúng tôi tập trung khai thác theo “ngách” riêng và hướng đến việc dùng “chất” của sản phẩm mang thương hiệu Kinh Đô để chinh phục người tiêu dùng, gia tăng độ phủ thị trường ngành thực phẩm.
* Vừa qua, Kinh Đô có một số hợp tác chiến lược với đối tác nước ngoài qua việc bán 14 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược Ezaki Glico. Theo ông, kết quả của việc hợp tác này có khả quan không? Trong năm 2013, Kinh Đô còn tiếp tục tìm kiếm các hợp tác tương tự?
- Trong năm qua, dù cả hai phía có khá nhiều thận trọng khi mở rộng thị trường nhưng tôi có thể tự tin nói rằng, sự hợp tác giữa Kinh Đô và Glico là tốt. Những kế hoạch và chỉ tiêu đề ra, chúng tôi đều đạt được theo đúng tiến độ, đó là những tín hiệu vui trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Kinh Đô vẫn đang thương thảo với khá nhiều đối tác để tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư bởi chúng tôi vẫn còn nguồn tài chính khá tốt. Tuy nhiên, vì là đang trong giai đoạn thương thảo, nên cho phép tôi không tiết lộ thông tin chi tiết về các đối tác.
* Năm 2011, doanh thu tăng trưởng đến 120% và năm 2012, Kinh Đô vẫn giữ được mức tăng trưởng và đảm bảo con số lợi nhuận đã đặt ra là 500 tỷ đồng. Ông dự báo môi trường kinh doanh năm 2013 như thế nào?
- Tôi cho rằng 2013 sẽ là một năm khởi sắc cho thị trường Việt Nam. Này nhé, hãy nhìn vào sự trỗi dậy từ kinh tế thế giới, từ thị trường chứng khoán ở châu Âu... Quay trở lại thị trường Việt Nam, chúng ta đã và đang tiếp cận được với một mức lãi suất hợp lý từ hệ thống ngân hàng; nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài đang “đổ bộ” đầu tư vào Việt Nam.
Thời gian vừa qua, Kinh Đô đã hợp nhất các công ty thành viên. Đây là một bước quan trọng giúp chúng tôi khai thác tối đa mọi nguồn lực sẵn có của Tập đoàn, tạo nên hiệu quả cao. Từ việc điều tiết ngân sách ở các công ty con, giảm tối đa việc trả lãi suất vay, nhập nguyên liệu về một đầu mối để có mức giá đầu vào hợp lý khi mua hàng số lượng lớn; phí quản lỷ giảm mà hiệu quả tăng khi tất cả quy về một đầu mối... Đó là chưa kể đến việc chúng tôi có thể điều tiết và khai thác tài sản từ các công ty con một cách hợp lý và hiệu quả.
Bên cạnh đó, trong năm 2012, Kinh Đô cũng như các doanh nghiệp khác đã trải qua những thử thách lớn nhất từ môi trường kinh doanh. Trong bối cảnh đó, Kinh Đô đã tập trung xây dựng hệ thống vận hành, bây giờ là lúc để chúng tôi tăng tốc. Không có lý gì, khi đã chuẩn bị hệ thống vận hành tốt mà lại khởi động chậm!
* Để chiến lược kinh doanh mang tính khả thi cao, điều kiện đầu tiên là phải có đội ngũ thực hiện tốt. Vậy, Kinh Đô đã và đang có chiến lược xây dựng nguồn nhân lực như thế nào?
- Để có đội ngũ nhân sự giỏi, Kinh Đô tổ chức những khóa học thường xuyên để phát hiện và đào tạo nguồn nhân sự nòng cốt, thực hiện việc kế thừa và phát triển tổ chức, đồng thời nâng cấp cán bộ quản lý hiện hữu phục vụ mục tiêu phát triển của Tập đoàn. Tôi cho rằng, tuyển hay “săn đầu người” từ bên ngoài, họ giỏi nhưng chưa chắc phù hợp với văn hoá Tập đoàn. Thông thường, những cộng sự được đào tạo từ cơ sở sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Thời gian gần đây, chúng tôi đã áp dụng mô hình quản lý theo kiểu “chẻ nhỏ”. Cách làm này giúp người lao động sâu sát với công việc và mang lại hiệu quả cao hơn.
* Hiện Chính phủ đang áp dụng một loạt giải pháp nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các giải pháp này trong ngắn hạn cũng như dài hạn?
- Muốn trả lời được chuyện này cần phải có thời gian. Tôi nghĩ rằng, phải đến quý II năm 2013 mình mới có một cái nhìn sát thực được về tính hiệu quả của các giải pháp này.
* Từ góc nhìn của một doanh nhân, ông mong muốn gì trong năm mới 2013?
- Không chỉ riêng doanh nhân như chúng tôi mà với tất cả mọi người, sức khoẻ là điều quan trọng nhất. Tôi mong mình giữ sức khoẻ thật tốt như hiện giờ để thực hiện mục tiêu luôn tiến về phía trước, bởi đi cùng tôi còn có 8.000 nhân viên, các quỹ đầu tư và những đối tác... Với Tập đoàn, tôi mong Kinh Đô phát triển bền vững và thương hiệu Kinh Đô trường tồn. Anh em cộng sự phải hiểu và giữ được giá trị cốt lõi để cùng gánh vác và đưa Kinh Đô tăng trưởng nhanh hơn nữa trong tương lai.
* Xin cám ơn ông!
Theo Doanh Nhân Sài Gòn