Tập đoàn Kinh Đô vừa chính thức tung ra thị trường sản phẩm mì ăn liền Đại Gia Đình với thương hiệu Ki Do - công ty thành viên của Tập đoàn Kinh Đô. Đây là bước đi đầu tiên trong chiến lược mở rộng hoạt động sang lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng thiết yếu của doanh nghiệp này.
Mì gói: thành công bước đầu
Chiến dịch tấn công vào lĩnh vực mì ăn liền của Kinh Đô bước đầu đã thành công. Theo một số thông tin ghi nhận được, mới chỉ chính thức tung sản phẩm ra thị trường cách đây 1 tuần, Kinh Đô đã triển khai đưa hàng tại 54 tỉnh, thành trên cả nước. Mì Đại Gia Đình đã lên kệ tại 86.000 điểm bán hàng, tương đương khoảng 40% các điểm bán hàng toàn ngành mì gói… Có thể nói, từ trước đến nay hiếm thấy công ty nào có thể đạt được những con số nêu trên chỉ trong vài ngày như Kinh Đô đã làm tại thị trường Việt Nam.
Mặc dù mì Đại Gia Đình lấy thương hiệu Ki Do, nhưng hầu như mọi người đều biết đó là sản phẩm của Kinh Đô, một thương hiệu đã rất nổi tiếng đối với các nhà phân phối và điểm bán hàng. Hơn nữa, lực lượng thị trường tham gia trong đợt tung hàng này là đội ngũ có kinh nghiệm trong lĩnh vực mì gói và ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
“Kinh Đô sẽ tận dụng tối đa 20 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển thị trường để phát triển kênh phân phối mì gói. Trong tương lai gần, đây sẽ là kênh phân phối chủ lực, là cơ sở để phát triển và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm khác theo chiến lược tấn công vào ngành thực phẩm thiết yếu. Mục tiêu sau 3 năm, mì Đại Gia Đình sẽ nằm trong Top 3 của ngành này với doanh thu khoảng 2.500 tỷ đồng”, ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô cho biết.
Tiếp tục “thẳng tiến”
Mì gói mới chỉ là bước đi đầu tiên. Theo thông tin được ông Việt tiết lộ, Kinh Đô xác định 3 hướng đi chiến lược sắp tới là “Kinh Đô sẽ phục vụ nhiều người tiêu dùng hơn, mỗi một người tiêu dùng sẽ có cơ hội sử dụng nhiều sản phẩm của Kinh Đô hơn và Kinh Đô sẽ đẩy mạnh phát triển ra thị trường quốc tế”.
Vậy bằng cách nào để Kinh Đô hiện thực hóa các chiến lược này? Theo ông Việt có 3 cách. Thứ nhất, Kinh Đô sẽ tập trung tìm kiếm các cơ hội để M&A, đặc biệt trong lĩnh vực ngành hàng thiết yếu như trường hợp đầu tư nắm cổ phần chi phối tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex). Thứ hai, Kinh Đô sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác lớn, khai thác thế mạnh của các bên để cùng nhau phát triển mạnh mẽ như việc hợp tác với Công ty TNHH Sài Gòn Vewong để phát triển mì gói và các sản phẩm gia vị. Thứ ba, Kinh Đô sẽ thông qua các hình thức liên doanh, liên kết để đưa các sản phẩm đi xa hơn.
Theo thông tin ĐTCK có được, Kinh Đô dự kiến sẽ lần lượt tung ra các nhóm sản phẩm mì cao cấp vào giữa năm 2015. Nước chấm và gia vị cũng đang trong quá trình hoàn tất các bước chuẩn bị dự án, để thẩm định hoàn thành triển khai trong thời gian tới. Đối với ngành hàng gia vị, theo ước tính, sức tiêu thụ của thị trường hiện nay vào khoảng 4.000 tỷ đồng và có tốc độ tăng trưởng rất cao do sự chuyển dịch từ bột ngọt (MSG) sang và nhu cầu không chỉ dành cho thành thị mà còn cả khu vực nông thôn.
Như vậy, không bao lâu nữa, nhiều sản phẩm mang tên Đại Gia Đình sẽ “tiến vào căn bếp” của các gia đình người Việt.
Giải tỏa tâm tư cổ đông
Hôm nay (1/12), Kinh Đô sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường 2014 để xin ý kiến cổ đông thông qua việc đầu tư nắm giữ 51% cổ phần tại Vocarimex và chuyển nhượng 80% mảng bánh kẹo cho Mondelēz.
Bánh kẹo vốn là mảng kinh doanh chính làm nên tên tuổi Kinh Đô. Nay, Kinh Đô quyết định chuyển “nồi cơm” này cho Mondelēz, chắc chắn Ban lãnh đạo Công ty sẽ phải có lời giải thích.
Trước hết, vì sao HĐQT ra quyết định này? Có thể thấy, trong 20 năm qua, mảng bánh kẹo của Kinh Đô đã tăng trưởng với mức bình quân hơn 30% mỗi năm, thậm chí trong những năm đầu, mức tăng trưởng có khi lên đến hơn 200%. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, thị trường bánh kẹo đang dần bão hòa, dù mảng bánh kẹo của Kinh Đô vẫn tăng trưởng nhưng không đạt mức mà Ban lãnh đạo Kinh Đô kỳ vọng. Trong khi miếng bánh thị trường nhỏ đi, người tham gia ngày càng đông hơn, Kinh Đô dường như đang cố phải mang chiếc áo vừa chật vừa cũ.
Nhưng Kinh Đô sẽ lấy gì bù vào phần doanh thu hụt đi sau khi chuyển nhượng 80% mảng bánh kẹo cho Mondelēz? Thực ra, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên diễn ra vào cuối tháng 6/2014, ông Việt có cho biết, “dự kiến doanh số sản phẩm mì gói trong tương lai sẽ không thua kém doanh số ngành bánh kẹo của Kinh Đô hiện nay”, dù lúc đó cổ đông còn chưa biết Mondelēz là ai.
Kế đến, số tiền 7.846 tỷ đồng (tương đương 370 triệu USD) thu về sẽ được sử dụng như thế nào? Mì ăn liền do Kinh Đô hợp tác với Sài Gòn Vewong nên chắc chắn không cần quá nhiều vốn. Còn việc mua cổ phần của Vocarimex, giả sử Kinh Đô mua bằng với mức giá bình quân tại buổi đấu giá là 13.428 đồng/cổ phần thì số tiền bỏ ra để có tỷ lệ sở hữu 51% tại Vocarimex là hơn 834 tỷ đồng, vẫn chưa là gì so với số tiền thu được từ “thương vụ Mondelēz”.
Nói đến Vocarimex, thứ Bảy tuần trước, công ty này đã tổ chức họp ĐHCĐ lần đầu, tại Đại hội, các cổ đông đã thông qua việc bầu thành viên HĐQT, trong đó có 3 người của Kinh Đô. Đáng chú ý, vị trí Chủ tịch HĐQT Vocarimex đã thuộc về ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn Kinh Đô.
Cũng cần nói thêm, Mondelēz và Vocarimex đến cùng lúc được cho là một cơ hội thực sự hiếm có đối với Kinh Đô. Mondelēz vào, mang theo rất nhiều tiền, ngay khi Kinh Đô đang cảm thấy “chật chội” trong mảng bánh kẹo, muốn thâm nhập vào ngành hàng thiết yếu thông qua các hoạt động M&A. Chính lúc này, nỗ lực đẩy mạnh cổ phần hoá của Chính phủ lại mang Vocarimex đến với Kinh Đô. Với số tiền thu được từ “thương vụ Mondelēz”, Kinh Đô đã sẵn sàng chớp thời cơ mà cổ phần hoá mang lại, và biết đâu sẽ lại có một “thương vụ Vocarimex” khác trong thời gian tới.
Quay lại vấn đề sử dụng số tiền thu được, tại thời điểm cuối tháng 9/2014, Kinh Đô có các khoản nợ vay ngắn hạn gần 314,5 tỷ đồng và dài hạn là 24 tỷ đồng. Ngay cả khi Kinh Đô thanh toán hết các khoản nợ này, số tiền còn dư vẫn rất lớn. Có lẽ Kinh Đô sẽ không đem gửi ngân hàng vì số tiền gửi của Công ty tại ngân hàng hiện nay không phải con số nhỏ. Liệu cổ đông có đón nhận một “điều bất ngờ” nào khác từ Ban lãnh đạo Kinh Đô tại cuộc họp hôm nay?
Một thông tin rất đáng chú ý, đó là mới đây, Kinh Đô thông báo một nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% cổ phần đã yêu cầu HĐQT bổ sung đề xuất mua cổ phiếu quỹ vào nội dung cuộc họp. Theo đó, HĐQT đã quyết định xin ý kiến cổ đông tăng số lượng cổ phiếu quỹ từ mức hiện tại gần 1,5 triệu cổ phiếu lên xấp xỉ 77 triệu cổ phiếu.
Như vậy, nếu được thông qua, Kinh Đô sẽ mua lại tới 30% cổ phiếu đang lưu hành, là hơn 255 triệu cổ phiếu. Số tiền cần để mua số cổ phiếu này khoảng 4.077 tỷ đồng, nhưng Kinh Đô sẽ không mua hết ngay mà sẽ thực hiện trong vòng 6 tháng. Việc Kinh Đô mua cổ phiếu quỹ với giá tối đa dự kiến 60.000 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều mức giao dịch hiện nay trên sàn, có thể sẽ giúp cổ phiếu KDC trở lên hấp dẫn hơn trong thời gian tới.
Kinh Đô theo chiến lược M&A, đầu tư vào các ngành hàng thiết yếu, nhưng dĩ nhiên việc thực hiện chiến lược này phải có lộ trình. Trong khi tiếp tục đi các bước tiếp theo, việc “đầu tư” vào cổ phiếu của chính mình được cho là một quyết định khôn ngoan, vì điều đó sẽ tạo sức hấp dẫn cho cổ phiếu KDC.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn