Ông Trần Kim Thành quan niệm “mảng bánh kẹo của công ty như trái cam đã chín đến lúc phải thu hoạch. Mất đi trái đó, chất dinh dưỡng sẽ được dành để phát triển các trái khác, cây khác trong vườn cây”.
Hơn một năm từ khi Công ty cổ phần Kinh Đô – nay là KIDO Group (KDC) hoàn tất bán đi quyền kiểm soát mảng bánh kẹo thì câu hỏi “vì sao lại bán” vẫn chưa hề mất đi tính thời sự. Chủ đề này tiếp tục là mối quan tâm của rất nhiều doanh nhân tham gia tọa đàm “Giải pháp nâng cao chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp” do Group Quản Trị và Khởi Nghiệp, KIDO, BizLive, Tài Đức Corporation cùng tổ chức cuối tuần qua.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, chủ tịch KIDO Trần Kim Thành ví von việc bán đi mảng bánh kẹo cũng như "cái áo mặc không vừa đến lúc phải thay đi” để hướng đến “cái áo lớn hơn” – tức những thị trường lớn hơn mà mình có đủ khả năng làm được để gia tăng lợi ích cho người tiêu dùng, cho cổ đông và nhân viên của mình.
Quyết định của KIDO khiến chính ban lãnh đạo công ty cũng như nhiều người tiếc nuối nhưng “Cuối cùng vì tập thể, vì cổ đông, tôi không cản sự phát triển, phát tài của mọi người nên tôi xiêu lòng bán", ông Thành nói.
Trái cam chín đến lúc phải thu hoạch
Ông Thành quan niệm “mảng bánh kẹo của công ty như trái cam đã chín đến lúc phải thu hoạch. Mất đi trái đó, chất dinh dưỡng sẽ được dành để phát triển các trái khác, cây khác trong vườn cây”. “Vườn cây” của ông ngoài bánh kẹo còn có kem, sữa chua, dầu ăn và mì ăn liền – đây đều là những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu với cơ hội tăng trưởng còn rất lớn.
Một trong những loại chất dinh dưỡng mà ông Thành nhắc đến chính là lượng tiền mặt dồi dào. Việc bán đi 80% mảng bánh kẹo trong năm 2015 đã giúp cho KIDO thu về khoản tiền mặt khổng lồ lên đến trên 7.000 tỷ đồng. Công ty dự tính sẽ bán nốt 20% cổ phần còn lại trong năm nay.
Với quan điểm “tiền mặt là vua”, lâu nay KIDO luôn duy trì lượng tiền mặt rất lớn, lên đến vài nghìn tỷ đồng. Khoản tiền này không những giúp KIDO hầu như không phải vay nợ mà còn có thể chủ động tận dụng cơ hội mua rẻ những doanh nghiệp gặp khó khăn cũng như mua lại các doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa.
Một trong những cơ hội đó là thương vụ mua lại Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex. Theo một số chuyên gia, việc mua lại Vocarimex đối với KIDO là một mũi tên trúng 2 đích.
Thứ nhất, nó đưa KIDO từ con số 0 trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành dầu ăn trong nước khi mà Vocarimex sở hữu cổ phần đáng kể tại hầu hết những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành như Tường An, Cái Lân, Golden Hope Nhà Bè…
Thứ hai, doanh thu mất đi khi không còn bánh kẹo sẽ được bù đắp bởi doanh thu của Vocarimex khi KIDO chính thức nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp này và mục tiêu của KIDO là vị trí số 1 trên thị trường dầu ăn tại Việt Nam.
Thấu hiểu người tiêu dùng muốn gì
Với tinh thần chia sẻ cởi mở, tại buổi tọa đàm, ông Thành đã không ngại chia sẻ những bí kíp kinh doanh của mình cho những doanh nghiệp trẻ thêm tự tin, vượt qua trở ngại, thách thức trên bước đường khởi nghiệp. Những kinh nghiệm về tạo dựng lợi thế cạnh tranh được ông Thành cụ thể hóa trong một lĩnh vực mà KIDO mới chân ráo chân ướt bước vào đó là dầu ăn.
Ông Thành chia sẻ, khi tiến hành xây dựng thương hiệu dầu ăn Đại Gia Đình, KIDO không chỉ dựa trên các số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường mà đã trực tiếp đi đến các siêu thị xem cách người tiêu dùng lựa chọn dầu ăn cũng như vào bếp quan sát cách họ sử dụng dầu ăn để đưa ra sản phẩm có tính chất phù hợp.
Trong ngành dầu ăn, người tiêu dùng hầu như không thể phân biệt được công dụng, tính chất của từng loại dầu. Họ cần một loại dầu khi chiên không bị đổi màu, không sinh ra chất không có lợi chính vì vậy KIDO đã định vị sản phẩm của mình “dầu chiên bền nhiệt” – loại dầu khi chiên sẽ không bị đổi màu, sủi bọt hay bốc khói.
Vị doanh nhân đã gắn bó hơn 20 năm với ngành bánh kẹo này lại tỏ ra rất tự tin về khả năng thành công, thậm chí là đưa công ty lên vị trí số 1 ngành dầu ăn.
Triết lý của ông Thành là dù kinh doanh tại bất cứ lĩnh vực nào thì vấn đề mấu chốt vẫn phải dựa trên những nền tảng là năng lực cốt lõi và với KIDO năng lực cốt lõi chính là kinh nghiệm xây dựng hệ thống phân phối, am hiểu thị trường, người tiêu dùng; năng lực về marketing, thiết kế sản phẩm cùng với hệ thống quản trị, huy động vốn, chiến lược M&A,…
Trong lịch sử phát triển của mình, KIDO có nhiều bài học kinh điển về cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài; những thương vụ M&A đình đám và được đánh giá là một trong những doanh nghiệp “tận dụng nguồn lực khổng lồ từ thị trường khoán” – theo như lời ông Thành – từ rất sớm để gia tăng nhanh chóng quy mô vốn của KIDO.
Trên sàn chứng khoán, KIDO cũng đã lấy lại được niềm tin của nhiều nhà đầu tư sau một quãng thời gian đầy bi quan về một KIDO không còn bánh kẹo, thể hiện qua việc cổ phiếu KDC đã tăng gần 50% kể từ đầu năm đến nay. Công ty cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2016 rất khả quan với lợi nhuận đạt mức cao nhất kể từ sau khi bán đi mảng bánh kẹo.
Cổ phiếu KDC đã tăng gần 50% kể từ mức đáy hồi đầu năm
A.D
Theo Trí thức trẻ