Tại Đại hội Cổ đông 2015, KDC công bố CTCP Tập đoàn KIDO (KDC) sẽ là đơn vị thâm nhập vào dung lượng thị trường 193,000 tỷ của thực phẩm thiết yếu. Vậy doanh nghiệp này sẽ sử dụng chiến lược gì để khẳng định được vị trí của mình trong thị trường mới này?

“Test” để hiểu hơn về đặc thù ngành mới

Mặc dù đã thành công trong lĩnh vực bánh kẹo với vị trí dẫn đầu, KDC đã đi bước đi đầy liều lĩnh khi thâm nhập vào những dòng sản phẩm mới là thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu với tính cạnh tranh vốn dĩ rất gay gắt từ nhiều đối thủ nặng ký.

Các ngành hàng mở rộng của KDC

Đánh dấu cho bước đi đầu tiên của KDC là việc tung ra sản phẩm mì gói Đại Gia Đình từ cuối năm 2014. Kết quả kinh doanh quý 1/2015 của KDC là minh chứng cho thành công này khi sản phẩm mì gói đã đóng góp tích cực đến tổng doanh thu. Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ của KDC đạt gần 1,016 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp theo đó, KDC tiến đến ký kết hợp tác liên doanh đầu tư 600 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất mì gói tại KCN VSIP Bắc Ninh vào đầu tháng 5/2015, trong đó KDC sẽ nắm tỷ lệ sở hữu 49%.

Ngoài ra, KDC đã đầu tư 24% vào Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) – đơn vị đang thống lĩnh thị trường dầu ăn Việt Nam. Rồi mới đây, KDC đã ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác phát triển với Tập đoàn Felda Global Ventures (FGV) của Malaysia và Tập đoàn Indo-Trans Logistics Corporation (ITL) cho giai đoạn tiếp theo trong việc thành lập liên doanh mới tập trung sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dầu cọ đóng chai tại thị trường Việt Nam. Sản phẩm dầu ăn thương hiệu Đại Gia Đình cũng vừa được KDC tung ra trong cuối tháng 5/2015 này.

Hàng loạt thương vụ hợp tác liên doanh cùng các đối tác mạnh trong ngành và tung đồng loạt 3 sản phẩm mới là mì gói, dầu ăn, hạt nêm được đánh giá là bước tiến nhanh của KDC trong ngành hàng thiết yếu, đồng thời khẳng định nội lực và quyết tâm của Tập đoàn trong việc mở rộng và khẳng định mình ở sân chơi mới, vốn nhiều tiềm năng nhưng cũng cạnh tranh rất khốc liệt này.

Ông Nguyễn Xuân Luân – Phó Tổng giám đốc KDC cho biết thời gian qua KDC đang “test” phản ứng người tiêu dùng đối với sản phẩm mới và để hiểu hơn về đặc thù ngành dầu ăn, mì gói. Sắp tới, KDC sẽ chính thức đương đầu trong cuộc chiến giành vị trí Top 3 trong mảng thực phẩm thiết yếu ngành tiêu dùng.

Có thể thấy, để giành được vị trí này của KDC là rất khó khăn. Vậy KDC đã có chiến lược mới nào để thực hiện mục tiêu này?

Con đường mới – chiến lược mới

Mặc dù đây là một lĩnh vực mới đối với KDC, nhưng không khó để nhận thấy tiềm năng của thị trường tiêu dùng Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Theo một báo cáo của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tiêu dùng nội địa sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2015 với dấu hiệu tâm lý người tiêu dùng đang cải thiện và tăng trưởng thực tổng mức bán lẻ đạt con số cao nhất trong 5 năm.

Ông Trần Quốc Việt – Phó Tổng giám đốc KDC cho biết dự báo tăng trưởng ngành thực phẩm đến năm 2017 là 15% với dung lượng thị trường của lĩnh vực thực phẩm thiết yếu đóng gói còn khoảng 193,000 tỷ (cao gấp 12 lần thị trường bánh kẹo). Trong đó, theo dự báo của Euromonitor, tốc độ tăng trưởng trong các năm tới của mảng mì ăn liền và dầu ăn là 7-9%, mảng nước chấm là 6-8%. 

Trở lại với nội lực của KDC, khoản tiền từ việc chuyển nhượng mảng bánh kẹo cũng như thành quả kinh doanh những năm trước là nguồn tài chính vững mạnh để thâm nhập vào mảng mới Thực phẩm và Gia vị. Chiến lược chính của KDC lúc này là sử dụng tiềm lực tài chính đang có đầu tư đa ngành vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu và mang lại lợi ích cho cổ đông. Lãnh đạo KDC cũng cho biết, KDC sẽ tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành Kem & sữa và các sản phẩm từ sữa, đồng thời phát triển quy mô và hiệu quả phân phối của kênh hàng lạnh. Đối với ngành hàng Mì ăn liền, Gia vị, KDC hướng đến việc liên doanh hợp tác cùng đối tác giàu kinh nghiệm để tích hợp lợi thế của các bên nhằm tối đa hóa hiệu quả kinh doanh và đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng với giá cả phù hợp nhất. Đối với ngành hàng Dầu ăn, KDC sẽ đầu tư, mua lại cổ phần các công ty sẵn có nhằm tận dụng lợi thế về phân phối nội địa và chuyên môn sản xuất để thâm nhập thị trường. Đồng thời KDC cũng hướng đến việc liên doanh hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đối với các ngành hàng khác trong lĩnh vực F&B, KDC đang trong quá trình tìm kiếm sản phẩm và đối tác phù hợp để tiến hành các hoạt động M&A trong tương lai.

Ông Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT KDC cho biết “Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, bối cảnh này đòi hỏi KDC chúng ta phải có chiến lược đột phá để phát triển. KDC cũng đã tham gia lĩnh vực bánh kẹo trong suốt hai thập niên, đã tạo tiếng vang và được xem là một trong những thương hiệu đầu tiên trong ngành khi ngành này còn rất sơ khai. Yêu cầu đặt ra cho chúng tôi là phải tìm ra hướng đi mới, lĩnh vực kinh doanh mới với quy mô và không gian thị trường rộng lớn hơn. Đồng thời chúng tôi cũng xác định hai mục tiêu chiến lược là xây dựng, phát triển KDC trở thành Tập đoàn thực phẩm theo các kênh phân phối chuyên biệt và áp dụng mô hình kinh doanh lấy người tiêu dùng làm trọng tâm”.

Theo một chuyên gia marketing trong ngành, môi trường kinh doanh hiện đã có nhiều thay đổi so với trước kia. Người tiêu dùng Việt Nam cũng ngày càng có yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm và nhất là chất lượng sản phẩm. Vị này cho rằng khả năng phân tích và nắm bắt người tiêu dùng sẽ chính là yếu tố cốt lõi cho sự thành công trong thời gian tới cũng như cải thiện khả năng thích ứng và cải tiến của tổ chức để phù hợp với sự thay đổi của người tiêu dùng.

Riêng KDC được đánh giá là doanh nghiệp thực phẩm hàng đầu trong nước, thấu hiểu khẩu vị người Việt và thành công trong lĩnh vực phân phối cũng như quảng bá, xây dựng thương hiệu. KDC có hệ thống phân phối đa dạng và thành công nhất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). KDC tiếp cận người tiêu dùng thông qua kênh phân phối với 300 nhà phân phối và 200,000 điểm bán. Trong năm 2014, thị trường phục vụ của KDC tăng lên 50 triệu khách hàng nhờ việc mở rộng danh mục sản phẩm.

Với chiến lược mới này và bước đầu thành công trong việc thăm dò thị trường khi sản phẩm mì gói Đại Gia Đình của KDC được người tiêu dùng tiếp nhận và không đủ sản lượng để cung cấp ra thị trường (theo chia sẻ của đại diện KDC) thì “đường đi nước bước” của KDC trong việc chiếm vị trí Top 3 là rất khả thi.

Mới đây, ĐHĐCĐ thường niên 2015, KDC công bố sẽ đổi tên công ty thành CTCP Tập đoàn KIDO với thương hiệu chính cho các sản phẩm là Đại Gia Đình.

Theo vietstock.vn