TT - Nhiều cổ phiếu trong những ngành hàng tiêu dùng như thực phẩm chế biến, sữa, bánh kẹo... đang được nhà đầu tư đánh giá cao nhờ thông tin tốt vừa công bố trong mùa đại hội cổ đông 2013.


Ngày 26-4, đại hội cổ đông Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk - VNM) tổ chức tại TP.HCM, đông đến mức nhiều nhà đầu tư không thể tìm được chỗ ngồi mà phải đứng ở cửa ra vào để nghe các thông tin về kết quả kinh doanh năm 2012, kế hoạch 2013 của công ty.

Đại hội cổ đông VNM thông qua kết quả kinh doanh năm 2012 với doanh thu đạt 26.561 tỉ đồng, tăng 23% so với năm 2011. Lợi nhuận sau thuế tăng tới 38%, tức khoảng 5.819 tỉ đồng.

Bà Mai Kiều Liên, chủ tịch hội đồng quản trị công ty, cho biết năm 2012 Vinamilk chia cổ tức bằng tiền mặt là 38%/mệnh giá, chưa kể trước đó đã chia cổ phiếu thưởng theo tỉ lệ "2 ăn 1", nghĩa là cứ hai cổ phiếu thì được thêm một cổ phiếu. Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu trong năm 2013 sẽ đạt khoảng 32.500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.230 tỉ đồng. Và dự kiến năm 2013, số tiền chia cổ tức cho cổ đông chiếm khoảng 46% lợi nhuận.

Trước đó, cổ phiếu VNM đã được giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng khi Vinamilk khánh thành hai nhà máy sữa tại Bình Dương. Với việc đưa vào hoạt động hai nhà máy này, trong năm 2013 Vinamilk sẽ đẩy mạnh xuất khẩu. Doanh thu xuất khẩu dự kiến đạt 230 triệu USD, tăng 50 triệu USD so với con số 180 triệu USD năm 2012.

Một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, bánh kẹo khác cũng đang được giới đầu tư chú ý là Công ty cổ phần Kinh Đô (mã chứng khoán KDC). Đại hội cổ đông của Kinh Đô đã thông qua kết quả kinh doanh năm 2012 với doanh thu 4.288 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 357 tỉ đồng. Công ty quyết định trả cổ tức 20% bằng tiền mặt. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2013 cũng được KDC nâng lên 600 tỉ đồng, tăng 22,5% so với năm 2012. Theo phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, Kinh Đô đang tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi khi đã giảm tới 47% các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Lợi thế của Kinh Đô là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành bánh kẹo, sở hữu hệ thống phân phối lớn chỉ sau Vinamilk và Masan Group.

Tương tự, cổ phiếu MSN của Công ty cổ phần tập đoàn Masan (Masan Group) được các nhà đầu tư thuộc nhóm lướt sóng đưa vào danh mục đầu tư trong thời gian gần đây, khi Masan Group và công ty con là Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan liên tiếp công bố những thông tin về các kế hoạch kinh doanh, thâu tóm doanh nghiệp ở các ngành nước uống đóng chai (Vĩnh Hảo), bia Phú Yên... với mục tiêu trở thành tập đoàn tư nhân hàng đầu trong ngành hàng tiêu dùng (thực phẩm, nước uống).

Nhờ liên tiếp công bố thông tin tốt, một số cổ phiếu trong nhóm ngành thực phẩm, đồ uống đã giữ vai trò là một trong những cổ phiếu dẫn dắt thị trường ở nhiều phiên giao dịch. Mặc dù giá đóng cửa trong phiên giao dịch đầu năm nay là 101.000 đồng/cổ phiếu, đến ngày 26-4 chỉ tăng lên 109.000 đồng/cổ phiếu, nhưng MSN vẫn là cổ phiếu "nóng" khi nhiều phiên giao dịch lên tới 128.000-129.000 đồng/cổ phiếu. VNM cũng tăng từ 87.000 đồng/cổ phiếu lên 124.000 đồng/cổ phiếu tính từ đầu năm đến nay.

Triển vọng phát triển

Ông Lê Nguyễn Minh, nhà đầu tư chứng khoán ở TP.HCM, cho biết đã dồn vốn vào nhóm cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng, trong đó ưu tiên cho cổ phiếu sữa, thực phẩm vì những ngành này ít bị rủi ro. "Danh mục đầu tư của tôi chỉ gồm những cổ phiếu của các doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh trong dài hạn. Cổ phiếu ngành hàng nước uống, thực phẩm... là những ngành thiết yếu nên sẽ an toàn hơn so với các ngành như bất động sản, chứng khoán" - ông Minh phân tích.

Phân tích một số cổ phiếu lớn trong ngành thực phẩm, đồ uống, Công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng đây là nhóm ngành có nhiều triển vọng đầu tư trong dài hạn. Từ cuối tháng 4-2013, doanh nghiệp niêm yết bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý 1. So với cùng kỳ năm 2012, kết quả kinh doanh có khả năng sẽ "sáng sủa" hơn, đặc biệt ở những nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt như nhóm hàng tiêu dùng, tiện ích công cộng...