Đẩy mạnh kênh bán hàng hiện đại, lợi nhuận mảng kem của KIDO phục hồi mạnh

Mảng kem KIDO tăng trưởng nhờ tính hiệu quả của công tác ra mắt sản phẩm mới, tập trung nhóm cốt lõi, mở rộng phát triển kênh hiện đại trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng nhanh của các cửa hàng tiện ích và minimart.

Tập đoàn KIDO (KDC) vừa kết thúc quý 2/2019 với doanh thu thuần sụt giảm hơn 20% về 1.674 tỷ đồng, nguyên nhân chính do doanh thu ngành dầu giảm trước sự cạnh tranh khốc liệt vẫn diễn ra giữa các công ty tại phân khúc dầu phổ thông và dầu xá. 

Ngược lại, lợi nhuận trong kỳ ghi nhận tăng trưởng hơn 19%, biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện xấp xỉ 29% so với cùng kỳ năm 2018; đóng góp chủ yếu bởi các nhóm sản phẩm có lợi nhuận gộp cao đều tăng trưởng, bao gồm kem, dầu ăn phân khúc cao trung cấp và chuyên biệt cùng sản phẩm margarine (tương tự bơ).

Trong đó, với KidoFoods (KDF), doanh thu thuần quý 2/2019 đạt 500 tỷ đồng, tăng nhẹ nhờ tính hiệu quả của công tác ra mắt sản phẩm mới, tập trung nhóm kem cốt lõi (vòng quay bán hàng nhanh đi kèm với mức biên lợi nhuận cao), mở rộng phát triển kênh hiện đại trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng nhanh của các cửa hàng tiện ích và minimart.


Đẩy mạnh kênh bán hàng hiện đại, lợi nhuận mảng kem của KIDO phục hồi mạnh - Ảnh 1.

Nhớ lại, ban lãnh đạo KDF sớm cho biết nhận thấy có sự chuyển biến lớn trong xu hướng tiêu dùng và đã tiến hành nghiên cứu hành vi người tiêu dùng trong sự thay đổi này. Kéo theo đó, kênh bán hàng hiện đại đang thay đổi và KDF sẽ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm kem qua kênh này.

Song song, Công ty cũng lên kế hoạch tổ chức lại sản xuất hợp lý và cải tiến công thức, thúc đẩy lợi nhuận gộp tăng 36 tỷ, hiệu suất cũng cải thiện mức biên đạt 62%. Theo đó, lợi nhuận trước thuế trong kỳ của KDF đạt 95 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đạt 119 tỷ đồng, thực hiện được 79% chỉ tiêu 2019.

Về mảng dầu, doanh thu thuần Dầu Tường An (TAC) trong quý 2 đạt 869 tỷ, giảm 14% so với cùng kỳ do giá dầu tiếp tục điều chỉnh (như đã đề cập). Để đối phó tình trạng này, TAC đang thực hiện chiến lược chủ động giảm sản lượng tiêu thụ. Mặt khác, "Tường An thì tận dụng thương hiệu lâu năm, do đó KIDO sẽ phát triển dòng sản phẩm cao cấp, để phục vụ và đáp ứng nhu cầu khách hàng", đại diện Công ty cho biết.

Trở lại với tình hình hoạt động quý 2/2019, lợi nhuận gộp TAC đạt 140,7 tỷ, tăng 32,4% nhờ việc gia tăng sản phẩm có mức lợi nhuận cao như nhóm chuyên biệt (tăng 45,9%), nhóm cao trung cấp (tăng 4,1%) và nhóm margarine (tăng 17,4%). Lợi nhuận trước thuế tương ứng thu về 30 tỷ đồng, tăng khá tốt so với con số quý 2 năm ngoái.

Còn Vocarimex (VOC), doanh thu thuần quý 2 Công ty đạt 694 tỷ, giảm hơn 35% và lợi nhuận gộp đạt 6 tỷ, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2018 khi doanh thu giảm đi kèm giá vốn hàng tồn kho cao. Tương ứng, VOC thu 34 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Công ty hiện tiếp tục đẩy mạnh kênh xuất khẩu và gia tăng khách hàng công nghiệp mới nhằm cải thiện doanh thu và lợi nhuận.

Về KIDO, đóng góp chính nguồn thu cả Tập đoàn, mảng dầu ăn theo chiến lược bao gồm thương hiệu sẽ hướng tới một phân khúc riêng, do đó các hãng không có sự cạnh tranh về khách hàng. Chi tiết, Tường An là dầu chai cho khách hàng cá nhân (B2C), Vocarimex thì tập trung mảng công nghiệp và xuất khẩu (C2C). Cuối cùng với Golden Hope Nhà Bè thì sẽ phát triển những thương hiệu dầu ăn cao cấp.

Tri Túc

Theo Trí thức trẻ 

(Nguồn http://cafef.vn)