“Trong kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp là điều kiện tiên quyết mỗi doanh nghiệp phải đạt được để tồn tại và phát triển. Đó cũng là một phần cấu thành văn hóa của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp cũng quyết định sự thành công hay thất bại của các doanh nghiệp hậu M&A.”



Các lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ những câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa là động lực để doanh nghiệp đạt hiệu quả hoạt động cao hơn

Văn hóa doanh nghiệp được xem là huyết mạch, là tài sản quý giá của mỗi doanh nghiệp, là lợi thế cạnh tranh quan trọng bậc nhất và bền vững nhất của doanh nghiệp. Các nhà quản trị đã đúc kết ra rằng, nếu chiến lược được ví như Hạt thì văn hóa sẽ được xem là Đất. Nếu “đất” không tốt, dù cố gắng cách mấy, hạt cũng không thể nảy mầm và lớn mạnh được.

Tuy nhiên, việc kiến tạo nên văn hóa đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp luôn là một bài toán đau đầu của các nhà lãnh đạo, đặc biệt đối với trường hợp sáp nhập các doanh nghiệp có nền tảng văn hóa khác nhau.

KIDO từ gần 15 năm trước đã ghi dấu trên thị trường M&A khi sáp nhập thành công doanh nghiệp nước ngoài. Mới đây, từ 2014 - 2017, KIDO đã thực hiện thành công chiến lược từ hạt giống mới trở thành ông trùm của ngành dầu ăn bằng việc mua lại cổ phần đa số trong CTCP Dầu Thực vật Tường An và Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex); và nhanh chóng đưa Tường An và Vocarimex phát triển mạnh mẽ hơn trên con đường mới.
Tại diễn đàn “Văn hóa doanh nghiệp - Nền tảng phát triển bền vững” do Hiệp hội Phát triển  văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và Hội Nữ doanh nhân TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, ông Trần Kim Thành - Chủ tịch KIDO cho biết, văn hóa doanh nghiệp đã giúp các thành viên trong tập đoàn KIDO có sức mạnh, đạt hiệu quả hoạt động cao.
“Nếu chỉ áp dụng các công cụ quản trị, dựa vào tổ chức con người, điều phối các nguồn lực bằng công cụ máy móc…. doanh nghiệp chỉ đạt được kết quả hoạt động ở mức tối thiểu. Bởi người lao động lúc này không làm việc vì trách nhiệm, vì tầm nhìn, sứ mệnh, vì văn hóa của doanh nghiệp nên hiệu quả đạt được không cao.”
Ông Thành đơn cử việc nhân viên bán hàng cất lời “xin chào” mỗi khi khách bước vào cửa hàng. Nếu làm việc không có trách nhiệm, không thấm nhuần văn hóa của doanh nghiệp, nhân viên bán hàng cất lời “xin chào”, khách hàng nghe rất vô hồn. Nhưng nếu nhân viên bán hàng có trách nhiệm, mang trong mình văn hóa doanh nghiệp, khách hàng sẽ nghe câu “xin chào” được chính nhân viên thổi hồn vào đó.
Theo ông Trần Kim Thành, văn hóa doanh nghiệp trước hết phải là đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh; phải là văn minh và du nhập văn minh mới để hội nhập quốc tế; đúc kết, rút tỉa văn minh để chuyển hóa thành cái riêng, bản sắc của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp bao gồm giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh gắn trên mỗi nhân sự của doanh nghiệp, quyết định sự “sống còn” của doanh nghiệp.
“Nếu không có đạo đức kinh doanh, không có giá trị cốt lõi, doanh nghiệp khó có thể làm ra sản phẩm có chất lượng để thị trường đón nhận.”
Văn hóa doanh nghiệp quyết định sự thành công của các doanh nghiệp hậu M&A
Trở lại với trường hợp xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ 2 nền tảng văn hóa khác nhau hậu sáp nhập, ông Trần Kinh Thành chia sẻ, hậu M&A mới là cốt lõi vấn đề mua bán sáp nhập. KIDO với Tường An hay KIDO với Vocarimex chỉ mất 6 tháng để hai nền văn hóa khác nhau hòa vào làm một.
KIDO và Vocarimex là hai doanh nghiệp khác nhau có hai văn hóa khác nhau bao gồm từ giá trị cốt lõi, quy trình làm việc đến hành vi của mỗi nhân viên, là 2 trục khác nhau. Ở thời kỳ hậu M&A, muốn hai doanh nghiệp gặp nhau phải tìm được phần chung – tâm.
2 tháng đầu tiên thời kỳ hậu M&A, KIDO phải khảo sát xem xét lại tất cả các quy trình ở Vocarimex để từ đó tìm ra trục, điểm chung. Bởi mỗi quy trình đều ẩn chứa, lồng ghép hay thẩm thấu văn hóa, giá trị kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp. Tiếp theo, KIDO cùng Vocarimex xác định lại quy trình qua đó xác định được văn hóa doanh nghiệp bao gồm xác định lại tầm nhìn, sự mệnh, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và từ đó đưa ra yêu cầu trong công việc.
Ở tháng thứ 3 và thứ 4 của quá trình, KIDO cùng Vocarimex chỉnh sửa quy trình để từ tháng thứ 6 người lao động ở Vocarimex thoải mái làm việc, và từ đây tất cả các thành viên có thể cống hiến cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Song song với quá trình đó, các nhà lãnh đạo của KIDO và Vocarimex thực hiện đào tạo, huấn luyện nhân viên, truyền tải các thông điệp để nhân viên hiểu vì sao phải làm như vậy, cần phải làm như vậy để tồn tại…và điều đó giúp cho nhân viên thích làm việc ở công ty.
Cuối cùng, làm sao để văn hóa doanh nghiệp không phải là khẩu hiệu? KIDO phải đưa ra câu chuyện cải tiến gắn vào tầm nhìn, chiến lược và có nhân lực để biến thành hiện thực mà ví dụ điển hình là việc KIDO cải tiến bánh Trung thu qua mỗi mùa bánh trên tinh thần Đổi mới Sáng tạo. 

Vào đầu mỗi mùa Trung thu, trong cuộc họp quan trọng với Ban lãnh đạo, các trưởng bộ phận đều phải đưa ra được cái mới, cải tiến những nội dung chưa làm tốt, chưa làm được ở mùa Trung thu trước; hay đưa ra cách làm khác tốt hơn nữa nhằm cải tiến toàn diện hơn để mùa kinh doanh này tốt  hơn mùa kinh doanh trước.
Thay lời cuối, theo ông Trần Kim Thành, “chúng ta thường nhấn mạnh giá trị cốt lõi, nhưng động lực mới thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Động lực này có từ tầm nhìn, từ sứ mệnh. Giá trị cốt lõi là điều mà tất cả thành viên trong tập thể phải tuân thủ. Nhưng chính tầm nhìn sẽ lôi cuốn những thành viên có chung chí hướng đến với nhau; sứ mệnh là động lực thôi thúc một người làm cho mọi người.”

Theo HỒNG QUÂN - Bizlive