Bằng M&A chỉ sau 3 năm đầu tư KIDO trở thành ông lớn của ngành dầu ăn

Theo tin từ CTCP Tập đoàn KIDO (mã KDC), KDC đã hoàn tất việc mua vào 32.886.000 cổ phiếu Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – CTCP Vocarimex (mã VOC) để nâng sở hữu tại VOC lên 51%. Thương vụ này chính thức đưa KIDO trở thành ông trùm ngành dầu ăn Việt Nam khi có trong tay quyền chi phối, quyền kiểm soát các công ty đang thống lĩnh thị trường dầu ăn.

Năm 2014, thị trường dầu ăn Việt Nam được thống lĩnh bởi Cái Lân, Tường An, Golden Hope Nhà Bè, Tân Bình… Đến năm 2015, chỉ tính riêng Cái Lân và Tường An chiếm đến 2/3 doanh thu toàn thị trường. Tại thời điểm đó, Vocarimex nắm giữ 51% vốn điều lệ của Tường An, 24% vốn điều lệ Cái Lân, 49% vốn của Golden Hope Nhà Bè, 17,8% vốn tại Nakydaco. 

Năm 2015, trang sử mới của KIDO đã mở ra sau khi KDC chuyển giao mảng bánh kẹo và gia nhập ngành hàng thực phẩm & gia vị với tham vọng chinh phục thị trường có quy mô lên đến 193.500 tỷ đồng; và KIDO sẽ chuyển dịch mô hình từ tập trung vào quá trình chuyển đổi giá trị sang tập trung quá trình hình thành giá trị. 


Tiền và kinh nghiệm chưa bao giờ thiếu ở KIDO, nhưng để đầu tư trực tiếp vào ngành dầu sẽ rủi ro cao hơn rất nhiều việc đầu tư gián tiếp thông qua mua lại cổ phần của các doanh nghiệp đã có chỗ đứng trên thị trường. KIDO đã chọn đầu tư gián tiếp vào Dầu Thực vật Tường An và Vocarimex. KIDO chỉ mất khoảng 3 năm để “thâu tóm” ngành dầu ăn, khi nắm quyền chi phối CTCP Dầu thực vật Tường An vào tháng 11/2016 và hoàn tất đưa Vocarimex trở thành công ty con khi sở hữu 51% vốn tại đây vào ngày 22/5/2017.

Cục diện ngành dầu ăn sẽ thay đổi?  

Đến cuối năm 2016, Vocarimex sở hữu 27% vốn điều lệ của Tường An, 49% vốn tại Golden Hope, 24% vốn tại Dầu thực vật Cái Lân, 17,84% vốn tại Dầu thực vật Tân Bình. 

Năm 2016, Tường An đạt 3.978 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 83,8 tỷ đồng; trong khi đó công ty liên kết VOC đạt 4.156 tỷ đồng doanh thu và 272 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Việc nắm 65% Tường An vào tháng 11/2016 và 51% Vocarimex vào 30/06/2017 cho phép KIDO hợp nhất kết quả hoạt động kinh doanh cả năm 2017 của Tường An và khoảng 6 tháng cuối năm 2017 của Vocarimex vào báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của mình. 

Giả sử rằng, năm 2017, Tường An và VOC đạt kết quả kinh doanh bằng năm 2016; KIDO Foods giữ nguyên ước tính kế hoạch 1.828 tỷ đồng doanh thu. Năm 2017, doanh thu hợp nhất của KDC có thể vượt con số 7.500 tỷ đồng (chỉ tính hợp nhất kết quả kinh doanh của VOC 6 tháng cuối năm 2017), cao hơn doanh thu hợp nhất của KDC trước khi chuyển nhượng mảng bánh kẹo cho đối tác nước ngoài (doanh thu hợp nhất năm 2014 của KDC đạt 4.953 tỷ đồng).


Nguồn: Số liệu tổng hợp

Như vậy, chỉ sau khoảng 3 năm thoái lui khỏi bánh kẹo, bằng hoạt động M&A, KIDO nhanh chóng lấy lại vị thế của mình trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu khi chiếm ưu thế về thị phần trong lĩnh vực ngành hàng lạnh, ngành dầu ăn. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá tham vọng của KIDO trên thị trường thực phẩm thiết yếu cực kỳ lớn, nhất là khi Tập đoàn này đang sở hữu hệ thống phân phối mạnh, mạng lưới rộng khắp cả nước.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO chia sẻ trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu KDF (KIDO Frozen Foods) hồi cuối tháng 3/2017, Tập đoàn sẽ tiếp tục mua các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, OEM đối với các đơn vị có thế mạnh về sản phẩm và phát huy tối đa lợi thế về kênh phân phối, lợi thế qui mô và KIDO cũng tiết lộ đang trong quá trình thương lượng hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Trước đó tại kỳ đại hội bất thường năm 2014 của KDC, HĐQT của KDC cho biết cần phải nắm quyền kiểm soát chi phối tại VOC để thực hiện các điều chỉnh cần thiết.
Vì vậy, liệu KIDO có chịu bằng lòng với sự phát triển của ngành dầu ăn Việt Nam hiện tại không là điều rất khó đoán khi mà KIDO nắm trong tay 51% Vocarimex và 65% Dầu thực vật Tường An và cùng các công ty liên kết mà VOC đang chi phối thị trường dầu ăn.

HỒNG QUÂN

Credit: bizlive.vn