(NDH) "Người ta cứ nghĩ rằng giá trị của KDC chỉ nằm ở khoản tiền còn lại từ việc bán mảng bánh kẹo, nhưng thực sự đó chỉ là một phần của câu chuyện. KIDO đã thu được nhiều tiền từ lĩnh vực kinh doanh cốt lõi", ông Trần Lệ Nguyên nói.
Từ khi KDC bán đi mảng bánh kẹo và chia cổ tức với số tiền lên đến gần 5.000 tỷ đồng, nhà đầu tư bắt đầu đặt ra những dấu hỏi về chiến lược phát triển và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp này. Chính điều đó đã phần nào khiến một số nhà đầu tư e ngại rằng KDC đã đánh mất hoạt động kinh doanh lõi và khó có thể tăng trưởng mạnh như thời kỳ thịnh vượng trước đó.
NDH đã có cuộc trao đổi với Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn Kido về tình hình tài chính cũng như chiến lược kinh doanh mới của KIDO.
Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng Giám Đốc Tập đoàn Kido
Nhiều nhà đầu tư đang đặt dấu hỏi về chiến lược phát triển mới của KDC sau khi bán mảng bánh kẹo. Chiến lược của KDC sẽ như thế nào trong thời gian tới thưa ông?
Hiện nay kế hoạch 20% bán phần còn lại tại BKD cho Mondelez đang được thực hiện, dự kiến giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng. Và trong năm nay, riêng khoản này có thể sẽ mang về lợi nhuận trước thuế dự kiến 1.700 tỷ đồng thay vì con số 1.500 tỷ đưa ra trước đó.
Người ta cứ nghĩ rằng giá trị của KDC chỉ nằm ở khoản tiền còn lại từ việc bán mảng bánh kẹo, nhưng thực sự đó chỉ là một phần của câu chuyện. Dự kiến từ năm 2017, lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi sẽ tăng mạnh. Hiện KDC đang tập trung vào mảng kinh doanh chính là dầu ăn và các ngành còn lại là kem và cấp đông bánh bao ứng dụng công nghệ của Nhật Bản. Kết quả kinh doanh của mảng kem tăng trưởng rất tích cực, 7 tháng mảng kem đang mang lại 160 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Con số lợi nhuận dự kiến trong năm nay sẽ như thế nào thưa Ông ?
Với khoảng 230-240 tỷ đồng lợi nhuận từ mảng kem, cộng với lợi nhuận từ Vocarimex, cùng với khoảng thu được từ mảng bánh kẹo thì con số doanh thu và lợi nhuận năm 2016 ước tính sẽ ở mức 7.000 tỷ và 2.000 tỷ đồng.
Vậy còn năm sau, khi mà KDC không còn doanh thu từ việc bán mảng bánh kẹo?
KDC hiện đang tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi để tạo ra lợi nhuận bền vững. Với số tiền thu được từ bán mảng bán kẹo năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A nhằm vào những ngành có quy mô lớn và thiết yếu như định hướng đã đề ra.
Với kế hoạch mà KDC đã và đang thực hiện thì đến năm 2017, doanh thu có thể đạt 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận từ mảng kinh doanh cốt lõi dự kiến sẽ ở mức 600 tỷ đồng.
Tin vui là những ngành kinh doanh mà KDC chọn hiện nay rất ổn định. Khác xa với mảng bánh kẹo khi bánh trung thu mang tính thời vụ và nhu cầu thị trường thì ngày càng giảm sút, xu hướng mua để tặng, biếu bánh Trung thu cũng không còn nhiều như ngày trước.
Nhưng lĩnh vực kem cũng mang tính vụ mùa rất cao?
Đó là lý do KDC phát triển mảng bánh bao. Với sản phẩm này, KDC có thể sản xuất quanh năm. Thứ hai là nhu cầu sản phẩm cao và cạnh tranh ít hơn các sản phẩm khác. Điều quan trọng nữa chúng tôi thu được "tiền tươi” từ các sản phẩm này.
Kế hoạch tăng trưởng doanh thu lợi nhuận từ mảng kinh doanh kem và bánh bao cấp đông như thế nào thưa Ông?
Năm 2015, con số tăng trưởng bình quân của mảng kem là 30% và năm nay có thể cao hơn. Chúng tôi đang triển khai kế hoạch xây dựng 1 nhà máy kem KIDO tạị miền Bắc, 2 nhà máy tại Tp. HCM trong đó 1 nhà máy kem và một nhà máy cấp đông để làm bánh bao. Về hệ thống phân phối, chúng tôi đang có đến 60.000 tủ kem và nguyên hệ thống logistic để phân phối sản phẩm, phát triển thêm bánh bao còn có thể tận dụng thêm được hệ thống logistic này.
Với mảng kem có thể kỳ vọng độ lớn của thị trường khoảng 3.000 tỷ đồng. Còn về bánh bao, nhờ kinh nghiệm làm bánh trung thu nên nhân bánh rất ngon, chúng tôi làm ra bao nhiêu cũng không đủ để tiêu thụ. Dự kiến khi tăng công suất sẽ tăng lên gấp 3 lần hiện nay. Trước mắt là phát triển ổn định tại thị trường nội địa. Còn về tương lai, chúng tôi sẽ đưa sản phẩm này ra tiêu thụ tại thị trường nước ngoài.
Kế hoạch sau khi thu được số tiền 1.700 tỷ trong năm nay từ mảng bánh kẹo, KDC có kế hoạch gì để tạo ra lợi nhuận ?
Với số tiền đó, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện M&A các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm để tăng quy mô. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch M&A một doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm nhưng chưa thể công bố khi chưa triển khai được.
Được biết, KDC đang muốn tăng sở hữu tại Vocarimex, Ông có thể chia sẻ về hoạt động của doanh nghiệp này ?
Kết quả kinh doanh 6 tháng, Voca đang đạt mức lợi nhuận 203 tỷ đồng. Hoạt động của Vocarimex cũng tăng trưởng tích cực sau khi chúng tôi tham gia vào ban điều hành. Như vậy, có thể đến thời điểm quý IV năm nay chúng tôi sẽ hợp nhất Vocarimex vào KDC. Nếu thành công, có thể vào năm sau sẽ KDC sẽ có được khoản hợp nhất doanh thu và lợi nhuận từ công ty này.
Tỉ suất lợi nhuận của lĩnh vực dầu ăn không cao, vì sao KDC quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực này như vậy?
Điểm mấu chốt là hoạt động của Voca và các đơn vị thành viên vẫn chưa hết tiềm năng, chính vì thế mới có sự chênh lệch lớn giữa con số lợi nhuận giữa Voca và dầu Calofic (Cái Lân). Do đó, nếu chúng tôi điều chỉnh lại hoạt động tại Voca và các công ty thành viên, lợi nhuận từ Voca và các thành viên sẽ có sự tăng trưởng mạnh.
Trong tương lai, dầu của Voca và các công ty liên kết sẽ sử dụng hệ thống phân phối của KDC. Hoạt động kinh doanh lõi của KDC sẽ tăng trưởng mạnh hơn cùng sự ổn định dòng tiền. Ngoài ra, giá trị tài sản của Voca và các công ty liên kết cũng rất lớn.
Có vẻ như lĩnh vực Mì gói của công ty không thực sự hiệu quả?
Cách đây khoảng 2 năm, chúng tôi nghĩ rằng rằng mình có thương hiệu, thế mạnh ở lĩnh vực phân phối nên có thể triển khai mặt hàng mì gói. Thế nhưng, khi vào thực hiện thì mới thấy "chua cay", thị trường cạnh tranh ngày càng lớn, trong khi người dân đang bắt đầu giảm tiêu thụ mì gói, chi phí đầu tư cho quảng bá sản phẩm cao…nhưng hiệu quả thì không xứng đáng. Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì nhưng không phát triển mạnh mà sẽ tập trung nguồn lực phát triển những sản phẩm mang lại lợi nhuận cao hơn.
KDC dự định bao giờ triển khai dự án bất động sản tại Lê Duẩn, Ông đánh giá như thế nào về rủi ro thị trường bất động sản suy giảm đối với dự án lớn như vậy ?
Khoảng quý IV năm nay, chúng tôi sẽ triển khai dự án này. Đây là dự án có vị trí thuộc hạng “một mình một chợ” ở trung tâm quận 1, Tp. Hồ Chí Minh nên không đáng lo ngại về nguồn vốn, sự cạnh tranh hay sự suy giảm chung của thị trường.
Được biết, KDC đang có 50 triệu cổ phiếu quỹ, Công ty dự kiến sẽ làm gì với 50 triệu cổ phiếu đó ?
Hiện nay cũng có nhà đầu tư nước ngoài đang đặt vấn đề mua cổ phiếu quỹ của KDC với giá 4 chấm. Như vậy, nếu thành công có thể mang về 2.000 tỷ đồng tiền mặt.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KDC tăng mạnh trong những phiên gần đây, Ông có thể lý giải về điều này?
Có thể một số nhà đầu tư bên ngoài họ biết được hoạt động của công ty đang diễn ra như thế nào nên đã tích cực mua vào khiến giá cổ phiếu KDC mới tăng mạnh trong những phiên gần đây.
Theo Ông, nếu trên cương vị nhà đầu tư thì giá cổ phiếu của KDC ở mức bao nhiêu là hợ