Cùng với yến sào và vi cá mập, bào ngư cũng được xem là món ăn quý trong các bữa tiệc sang trọng. Nó còn là vị thuốc độc đáo trong cả Đông và Tây y, giúp sáng mắt, trị ho và tăng cường sinh lực cho nam giới.
Thành phần dinh dưỡng của bào ngư:
Do có hình dạng giống cái tai, bào ngư còn được gọi là hải nhĩ. Tuy có lượng cholesterol khá cao, song bào ngư lại không gây ảnh hưởng cho người bị chứng cholesterol cao, do có sự cân bằng trong thành phần.
Trong 100g bào ngư chứa: chất đạm 17,05g; đường (carbonhydrat) 5,89g; chất béo 0,75g; cholesterol 84,7mg; các loại vitamin B1, B2, khoáng chất và nguyên tố vi lượng. Trong chất đạm cũng có đủ 19 loại axit amin thiết yếu cho cơ thể ở lượng mức tương đối cao như Threonin 0,73mg; Isoleucin 0,75mg; Valin 0,7mg; và axit glutamic 2,31mg.
Theo y lý Trung Quốc, bào ngư có khả năng bổ âm, tăng khí, hạ nhiệt, tăng cường sinh lực cho nam giới, giúp sáng mắt, trị ho, khó tiêu.
Người ta còn tìm thấy trong bào ngư các hợp chất có tác dụng diệt khuẩn có tên là Paolin I và Paolin II. Cả hai đều có tính chịu nhiệt cao, 95 độ C trong vòng 45 phút. Trong đó, Paolin I là protein có phân tử lượng cao, từ 5.000 đến 10.000.
Một hợp chất khác của bào ngư cũng có tác dụng kháng khuẩn được gọi là "Phần C tan trong nước". Kết hợp giữa Paolin I và "Phần C" có thể làm giảm tử vong ở chuột thí nghiệm bị nhiễm khuẩn Streptococcus pyogenes và Straphylococcus aureus kháng Penicillin. Còn kết hợp Paolin II và "Phần C" có thể ngăn ngăn được 99% số virus Polio và Influenza A trong các thử nghiệm trên tế bào thận khỉ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy vỏ bào ngư có chứa canxi carbonat, magiê, sắt, silic, photphat và clorua. Vì vậy, Đông y thường dùng vỏ bào ngư để làm thuốc, được gọi là Thạch quyết minh, có vị mặn, tính hàn, tác động vào kinh mạch thuộc thận và can, giúp hạ hỏa, trị nhức đầu, chóng mặt, đỏ mắt..
Bác sĩ Nguyễn Văn Thông, Khoa Học & Đời Sống