Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kinh Đô cho biết, trong chặng đường sắp tới, Kinh Đô có 3 mục tiêu chính là tập trung ngành nghề chính, đưa thương hiệu ra thị trương quốc tế và các thương vụ M&A.
Hai mươi năm không phải là dài đối với một tập đoàn kinh tế, nhưng với một doanh nghiệp thành công như Kinh Đô thì chặng đường đó lại có quá nhiều dấu ấn để ghi nhận. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc và là một đồng sáng lập Tập đoàn Kinh Đô, dù rất bận rộn trong mùa cao điểm cuối năm nhưng đã dành thời gian chia sẻ về những thành quả mà Kinh Đô đã đạt được trong 2 thập niên qua.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô
Thành quả sau 20 năm
Kinh Đô đã gặt hái được rất nhiều thành công trong 20 năm qua, nhưng theo ông, thành tựu nổi bật nhất là gì?
Mỗi người có cách nhìn nhận riêng, nhưng với những người sáng lập ra Kinh Đô thì thành tựu nổi bật nhất sau 20 năm gầy dựng doanh nghiệp đó là một thương hiệu mạnh. Kinh Đô đã trở thành thương hiệu quốc gia. 2 thập niên chuyên tâm vì hương vị hạnh phúc, chúng tôi hiểu người tiêu dùng, sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu người tiêu dùng với giá cả phù hợp.
Chúng tôi đã liên tục đầu tư thiết bị máy móc và nguồn lực để sáng tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng bằng hàng loạt các sản phẩm mới với hương vị độc đáo, trong đó, nhiều sản phẩm đã dẫn đầu thị trường, chiếm thị phần lớn trong cùng phân khúc như bánh Trung thu Kinh Đô chiếm 70% thị phần, các dòng bánh AFC, Korento, Cosy, Solite, bánh mì tươi, kem… Đến nay, chúng tôi đã có đến 9 SBUs với hàng trăm sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Sản phẩm Kinh Đô trở nên gần gũi và gắn bó với sự chọn lựa hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam.
Kinh Đô có mặt trong đời sống của người tiêu dùng không khác gì các sản phẩm thiết yếu
Hai mươi năm là cả một chuỗi các sự kiện, nếu như “bất chợt” kể ra những sự kiện nổi bật, thì ông sẽ nhớ đến sự kiện nào trước tiên?
Đó là việc cho ra sản phẩm bánh Trung thu vào năm 1998 và thương vụ mua lại kem Wall’s từ Tập đoàn Unilever vào năm 2003. Kinh Đô là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường bánh Trung Thu với thị phần giao động từ 70-80%.
Còn đối với thương vụ mua lại thương hiệu kem Wall”s cùng toàn bộ nhà máy và dây chuyền sản xuất tại Việt Nam từ Unilever thì sao?
Sự kiện này đáng nhớ vì chính thương vụ này đã khẳng định “bản lĩnh” của Kinh Đô - một doanh nghiệp tư nhân trong nước “dám” bỏ tiền mua một thương hiệu lớn từ một tập đoàn đa quốc gia. Sự kiện này còn đánh dấu bước chân chính thức của Kinh Đô vào một lĩnh vực là ngành hàng kem.
Kết quả kinh doanh của Kinh Đô ( đơn vị: tỷ đồng)
Nhưng thực tế không phải chỉ có mua lại kem Wall’s, Kinh Đô còn được biết đến như một doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động M&A với các thương vụ “đình đám”?
Đúng vậy. Kinh Đô lấy M&A làm đòn bẩy để tiến nhanh và tiến xa khi mà dư địa cho chiến lược phát triển hữu cơ ngày càng hẹp.
Dĩ nhiên, không phải tất cả các thương vụ M&A đều mang lại hiệu quả như mong đợi, nhưng điều quan trọng là Kinh Đô đã biết cắt bỏ để tập trung nguồn lực cho các cơ hội khác. Trong kinh doanh, người lèo lái sáng suốt là người không tiếc nuối quá khứ, sẵn sàng cắt bỏ những hoạt động không hiệu quả và quay về giá trị cốt lõi. Sự xoay chuyển kịp thời giúp chúng tôi duy trì được đà tăng trưởng trong bối cảnh chung nhiều khó khăn.
Theo ông, yếu tố nào tạo nên thành công của Kinh Đô ngày hôm nay?
Câu hỏi này thực sự không dễ trả lời ngắn gọn trong một câu, vì thành công của Kinh Đô hôm nay là sự hội tụ của rất nhiều yếu tố. Chúng tôi có một đội ngũ nhân viên đoàn kết, gắn bó và hết lòng vì sự phát triển của doanh nghiệp. Thêm vào đó, ở Kinh Đô, những người quản trị luôn có sự đam mê, liều lĩnh, ý tưởng táo bạo, đột phá, tầm nhìn chiến lược… Chính nhờ quản trị tốt nên trong khi nền kinh tế gặp nhiều biến động những năm gần đây, Kinh Đô vẫn tăng trưởng vững vàng nhờ chiến lược tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
Danh mục sản phẩm của Kinh Đô sẽ được mở rộng sang các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng thiết yếu
Thành công được chia sẻ
Thưa ông, Kinh Đô thành công nhưng người lao động được gì?
Khi nhìn vào những thành công của Kinh Đô ngày nay, chúng tôi cũng tự đặt ra câu hỏi đó cho chính mình là Kinh Đô thành công nhưng người lao động được gì. Ngoài các chế độ lương, thưởng, mỗi đợt phát hành cổ phiếu, chúng tôi thường xin ý kiến cổ đông dành ra một phần cho người lao động, có thể bán với giá ưu đãi hoặc tặng cho họ.
Chúng tôi rất vui vì một cách nào đó cũng đã chăm lo được đời sống của nhân viên, ngay cả những người làm việc ở những vị trí rất nhỏ. Thành quả của Kinh Đô không phải là của riêng một cá nhân nào, mà nó được chia sẻ cho cả cộng đồng, đặc biệt là những người lao động.
Ông có nói những thành quả của Kinh Đô cũng được chia sẻ với cộng đồng, ông có thể nói rõ hơn?
Trong suốt 20 năm qua, “Vị hạnh phúc” mà Kinh Đô mang lại không chỉ lan tỏa từ những sản phẩm chất lượng của chúng tôi mà còn từ chính các hoạt động chia sẻ cùng cộng đồng mà Công ty đã chuyên tâm thực hiện.
Chúng tôi thấy rằng, trong kinh doanh không nên vì lợi nhuận mà quên trách nhiệm đối với cộng đồng. Từ năm 2001 đến nay, Kinh Đô đã dành ra hơn 35 tỷ đồng cho các chương trình xã hội. Hoạt động này đã trở thành nét văn hóa của Công ty. Nhân viên Kinh Đô cũng rất ý thức điều đó và luôn sẵn sàng ủng hộ các chương trình hướng đến cộng đồng tác xã hội.
Ra biển lớn
Một doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động thì thông thường có 3 cách: tự phát triển, M&A và liên kết. Hai cách đầu Kinh Đô đã làm rồi, nhưng cách thứ 3 thì chưa thấy. Chiến lược sắp tới của Kinh Đô sẽ như thế nào, thưa ông?
Trong chặng đường sắp tới, Kinh Đô có 3 mục tiêu chính. Thứ nhất, chúng tôi sẽ tập trung lĩnh vực kinh doanh cốt lõi theo chiến lược “Thực phẩm & các sản phẩm thiết yếu” để tiếp tục mang “vị hạnh phúc” đến mọi người. Thứ hai, mở rộng hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác cùng các đối tác, đưa thương hiệu Kinh Đô phát triển vươn tầm quốc tế.
Thứ ba, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những công ty phù hợp với chiến lược thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu (food & flavor).
Còn việc liên kết để mở rộng mảng bánh kẹo và đưa thương hiệu Kinh Đô ra nước ngoài thì sao?
Thị trường Việt Nam 2 năm nay tăng trưởng chậm lại. Mong muốn của các nhà đầu tư là đẩy nhanh và chỉ có cách là liên doanh liên kết để tăng thêm sản phẩm và mở rộng ra nước ngoài, đây sẽ là mũi nhọn để Kinh Đô hiện đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sau bước ngoặt 20 năm. Khi đó, “vị hạnh phúc” Kinh Đô mang đến cho đối tác, cổ đông, nhà đầu tư chính là sự an tâm, tin tưởng và hài lòng với các khoản đầu tư của họ đối với chúng tôi.
Các nhãn hàng của Kinh Đô
Đối tác mà Kinh Đô đang nhắm đến trong mảng bánh kẹo là ai?
Ngoài dự án mở rộng nhóm sản phẩm thiết yếu nh