Bên cạnh nhiều DN phải “thu gọn” sản xuất vì khủng hoảng kinh tế thì cũng không ít DN biết tận dụng khó khăn để đẩy mạnh thị trường. Điều này không chỉ đòi hỏi sự nhanh nhạy, nắm bắt thị trường mà DN cần chủ động linh hoạt trong sản xuất, phân phối.

10 năm phát triển tại thị trường phía Bắc (2001 - 2011)  tổng doanh thu của công ty Kinh Đô Miền Bắc đạt đến con số 5.600 tỷ đồng. Năm 2011, mặc dù kinh tế khó khăn, đơn vị này vẫn chạm đích dự kiến mục tiêu doanh thu 1.300 tỷ đồng và lợi nhuận 150 tỷ tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước và giải quyết lao động cho hơn 2.000 người.

Công ty Kinh Đô Miền Bắc vừa vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng 3 của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Thị trường của Kinh Đô khu vực này liên tục được mở rộng. Đến nay hệ thống phân phối có mặt tại khắp các thành phố, thị xã, thị trấn, huyện của 28 tỉnh thành phía Bắc, với hơn 20.000 điểm bán và 55 nhà phân phối. Bên cạnh đó, công ty cũng chú trọng đến trách nhiệm xã hội của mình với cộng đồng. Mới đây, nhân dịp 10 năm thành lập, Kinh Đô Miền Bắc vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng 3 do Đảng và Nhà nước trao tặng.

Ông Trần Quốc Việt, Tổng GĐ Kinh Đô Miền Bắc chia sẻ những bí quyết, khinh nghiệm “vượt khó” của công ty:

Phóng Viên (PV): Thưa ông, miền Bắc là thị trường không dễ đón nhận sản phẩm mới. Chắc chắn khi đầu tư vào phân khúc thị trường này, Kinh Đô Miền Bắc gặp không ít khó khăn. Phải chăng, công ty phải vận dụng rất nhiều chiến lược?

Ông Trần Quốc Việt: Khi sản phẩm đã có chỗ đứng thị trường phía Nam, Ban lãnh đạo Kinh Đô đã lên hoạch mở rộng thị trường, chúng tôi có 6 năm chuẩn bị (1995 - 2001) để Bắc tiến. Bước đầu, là tìm đến các chợ đầu mối bánh kẹo để tìm hiểu thị trường, đặt vấn đề hợp tác mở đại lý. Để chinh người tiêu dùng và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, công ty đã đi một bước khá mạo hiểm: quyết định đưa sản phẩm ra trước, chấp nhận chi phí vận chuyển, cùng đội ngũ kinh doanh phát triển thị trường đã thực hiện hành trình từ Nam ra Bắc để chinh phục miền đất mới với các sản phẩm đầu tiên như Snack, Cookies, Bánh mì tươi…

Và sự mạo hiểm đã có kết quả, thị trường nhanh chóng ổn định với hệ thống phân phối vững chắc. Đến năm 2011, chúng tôi quyết định xây dựng nhà máy tại Hưng Yên. Công ty Kinh Đô Miền Bắc tiếp tục tăng cường phát triển các chủng loại bánh, đồng thời tập trung nghiên cứu để địa phương hóa sản phẩm, đưa vào sản xuất các hương vị truyền thống phù hợp với người Bắc.

10 năm nay, nhà máy của Kinh Đô Miền Bắc liên tục mở rộng quy mô cũng như không ngừng đầu tư thêm dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu từ Italia, Đức, Pháp… Hiện có thể nói Kinh Đô Miền Bắc đang sở hữu hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại nhất Đông Nam Á.

Cửa hàng Kinh Đô có mặt khắp các thành phố, thị xã, thị trấn, huyện của 28 tỉnh thành phía Bắc

PV: Năm nay, trong khủng kinh tế không ít DN cố gắng để tồn tại đã rất khó. Tuy nhiên Kinh Đô Miền Bắc vẫn đạt mức tăng trưởng đột phá. Cách nào để công ty đối mặt với khó khăn và tạo được doanh thu tốt khi quá nhiều tác động xấu từ các yếu tố khách quan như vậy?

Ông Trần Quốc Việt: Có thể nói, Kinh Đô Miền Bắc có những tiền đề khá thuận tiện để vượt qua khó khăn. Với nền tảng phát triển trong một thời gian dài vững chắc, công ty xây dựng được một hệ thống phân phối tốt, có thương hiệu tốt, cơ sở vật chất ổn định. Và đặc biệt,công ty cũng đã dự báo được mức ảnh hưởng tình hình kinh tế để chủ động đưa ra các giải pháp.

Tôi cho rằng thành công của Kinh đô Miền Bắc nói riêng và Tập Đoàn Kinh Đô nói chung được xây dựng trên nền tảng phát triển vững chắc, từ việc đầu tư hệ thống dây chuyền theo công nghệ tiên tiến đến con người. Quan trọng nhất là hệ thống quản trị nguồn nhân lực, công ty luôn chú trọng vào việc củng cố nội lực và tạo lợi thế cạnh tranh về trình độ quản lý và tính chuyên nghiệp trong mỗi cán bộ công nhân viên.

Mặc dù tình hình kinh tế như vậy, tăng trưởng của công ty khá cao, dự kiến doanh thu trong năm nay đạt 1.300 tỷ đồng (tăng 30%), lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 150 tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kì năm trước). Điều này phản ánh được rằng Kinh Đô Miền Bắc đã và đang đi đúng hướng trong chiến lược phát triển kinh doanh bền vững.

Dây chuyền Cup Cake - một dây chuyền sản xuất bánh hiện đại của công ty Kinh Đô Miền Bắc

PV: Như ông nói, để phát triển chắc và bền cần phải dự báo tình hình kinh tế cũng như đặt ra được lộ trình phát triển. Ông có thể tiết lộ định hướng hoạt động và phát triển của Kinh Đô Miền Bắc trong thập niên tiếp theo?

Ông Trần Quốc Việt: Trong 10 năm tới, chúng tôi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 20-30%, đây là mục tiêu chắc chắn. Kỳ vọng của chúng tôi, đến năm 2020 doanh thu đạt 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 750 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ tập trung vào những định hướng chính sách, cụ thể. Trước hết, Kinh đô Miền Bắc sẽ tiếp tục mở rộng và củng cố vững chắc hệ thống phân phối tại thị trường nội địa, chú trọng phát triển chiều sâu như đa dạng hóa mặt hàng, địa phương hóa sản phẩm, đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới theo hướng tạo ra các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng người tiêu dùng.

Ngoài thị trường nội địa khá vững chắc, công ty cũng đã xâm nhập được thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc – một thị trường cực kỳ tiềm năng – sẽ được được chú trọng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bài và ảnh: L.L - theo Dân Trí