Màu sắc của thực phẩm không chỉ đơn thuần có vai trò làm đẹp cho món ăn mà còn giúp ta nhận diện một số chất dinh dưỡng khác nhau trong các loại thực phẩm.
Với hơn 300 loại thực phẩm thông dụng trong tự nhiên, có thể nói là có đến 299 màu sắc khác nhau, dù là có thể chỉ khác nhau một chút ít về độ nhạt, đậm hoặc sự pha trộn màu hết sức tinh tế của thiên nhiên.
Các sắc tố tạo nên màu sắc của thực phẩm thực chất là những chất hóa học sẽ có tác động ít nhiều với cơ thể và sức khỏe khi chúng ta sử dụng loại thực phẩm đó.
Màu xanh của diệp lục tố trong các loại rau lá là tín hiệu nói lên rằng thực phẩm này có chứa chất zeaxanthin, lutein, beta carotene; màu vàng cam chứa beta carotene, màu đỏ chứa lycopene; màu tím chứa resveratrol, anthocyanidins; màu trắng chứa allicin và quercetin... Màu xanh của rau càng đậm (như rau ngót, rau lang, rau muống...) thì beta carotene - tiền chất vitamin A - càng nhiều, nhiều hơn hẳn so với các loại rau lá có màu xanh nhạt như rau xà lách, bắp cải...
Các loại thực phẩm có màu vàng cam như bí đỏ, cà rốt, gấc, xoài chín, đu đủ, cam, lòng đỏ trứng... thì có đặc điểm ưu việt khi chứa nhiều chất beta carotene này. Màu đỏ của trái cà chua do hoạt chất lycopene hiện diện trong phần vỏ và phần ruột bên trong tạo ra. Chất sắt - một nguyên liệu cơ thể dùng để tạo ra tế bào hồng cầu cho máu - tồn tại trong các thực phẩm có màu đỏ như thịt, cá, trứng, gan, huyết...
Tất cả các vi chất dinh dưỡng đề cập ở trên đều rất cần thiết để cung cấp cho cơ thể hằng ngày, dù chỉ cần số lượng rất nhỏ. Nếu thiếu chúng thì cầm chắc sẽ bị bệnh tật. Beta carotene là một chất chống ôxy hóa có tác dụng rất tốt trong quá trình chống lão hóa, đẹp da, chống ung thư,...
Khi tiền chất vào cơ thể sẽ được chuyển đổi thành vitamin A để cơ thể sử dụng, giúp cơ thể trẻ em tăng trưởng, tạo kháng thể bề mặt để tăng sức đề kháng và nuôi dưỡng cho da, niêm mạc, mắt... giúp mắt nhìn rõ trong điều kiện ánh sáng yếu... Lycopene cũng là một chất có tính chống ôxy hóa tốt cho cơ thể.
Có thể nói không có loại thực phẩm nào được gọi là bổ nhất do chứa nhiều chất dinh dưỡng, cũng không có thực phẩm nào không có giá trị đối với sức khỏe. Mỗi loại thực phẩm, mỗi hóa chất – màu sắc đều có tác động riêng của nó.
Vì vậy, lời khuyên đầu tiên của các chuyên gia dinh dưỡng về ăn uống hợp lý là chúng ta cần phải ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, thay đổi món thường xuyên để cơ thể có cơ hội nhận được nhiều loại chất dinh dưỡng khác nhau và không sợ thiếu vi chất. Thực phẩm được lựa chọn càng đa dạng màu sắc thì các vi chất dinh dưỡng sẽ càng được cung cấp đầy đủ và phong phú chủng loại.
Một bữa ăn với nhiều món ăn khác nhau, nếu mỗi món được đa dạng thực phẩm tạo nên sự phong phú sắc màu sẽ giúp chúng ta ăn ngon miệng hơn, không ngán ngấy và an tâm về mặt vi chất dinh dưỡng.
Có thể nói không ngoa rằng sắc màu của thực phẩm chính là một chỉ điểm cho những món quà của thiên nhiên ban tặng con người.
Bác sĩ CK1 Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM)
Theo Người Lao Động