Liên doanh với Công ty TNHH Saigon Ve Wong xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên tại miền Bắc, đồng thời xúc tiến tìm địa điểm để chuẩn bị xây dựng nhà máy ở khu vực vực miền Trung, miền Nam và miền Tây là động thái cho thấy CTCP Kinh Đô (KDC) đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chiến lược trở thành tập đoàn cung cấp sản phẩm thực phẩm tiêu dùng thiết yếu thuộc Top 3 trên thị trường.

Tháo “nút cổ chai” công suất

Cuối năm 2014, sản phẩm mì ăn liền Đại Gia Đình của Kinh Đô chính thức có mặt trên thị trường. Bước chân đầu tiên của doanh nghiệp này vào thị trường thực phẩm tiêu dùng thiết yếu đã thành công bước đầu khi mì Đại Gia Đình nhanh chóng được người tiêu dùng ủng hộ bởi hợp khẩu vị và bởi đó là sản phẩm của Kinh Đô, thương hiệu thân thiết, được người tiêu dùng tín nhiệm bấy lâu. Chỉ sau 1 tháng tung ra sản phẩm, hoạt động sản xuất đã không kịp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Theo kế hoạch ban đầu, Kinh Đô sẽ đầu tư mạnh cho phân phối và quảng bá thương hiệu, còn đối tác là Saigon Ve Wong phụ trách sản xuất theo đơn đặt hàng của Kinh Đô. Tuy nhiên, với lượng tiêu thụ vượt kỳ vọng, nhà máy của Saigon Ve Wong đã không đáp ứng kịp số lượng đặt hàng lớn của Kinh Đô. Ngay cả kế hoạch mở rộng đầu tư của Saigon Ve Wong ở nhà máy này cũng không theo kịp với tốc độ đầu tư cho quảng bá, phân phối và bán sản phẩm của Kinh Đô. Nếu không xử lý được “nút nghẽn cổ chai” này, nguồn lực đầu tư quảng bá thương hiệu của Kinh Đô sẽ bị lãng phí, thậm chí tạo ra hiệu ứng ngược trên thị trường.

Chính vì thế, Kinh Đô và Saigon Ve Wong đã quyết định hợp tác xây nhà máy tại Bắc Ninh với chi phí đầu tư ban đầu lên đến 30 triệu USD nhằm tăng công suất sản xuất sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, không chỉ ở thời điểm hiện tại, mà tính đến cả kế hoạch phát triển trong tương lai, với đa dạng các sản phẩm thiết yếu: mì ăn liền, cháo, phở, nui, gia vị, nước chấm…

Theo ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kinh Đô, việc hợp tác với Saigon Ve Wong là bước tiến quan trọng của Kinh Đô trong ngành hàng thiết yếu, sau quá trình chuẩn bị nền tảng vững chắc, nội lực để thâm nhập ngành.

“Với sự thấu hiểu người tiêu dùng cùng kinh nghiệm và thế mạnh của hai bên, chúng tôi tin tưởng sẽ mang đến những sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng mọi nhu cầu về thực phẩm của người tiêu dùng”, ông Nguyên nói.

Sau mì ăn liền Đại Gia Đình, KDC sẽ tung sản phẩm gia vị, dầu ăn phục vụ người tiêu dùng 

Tích hợp lợi thế

Khi quyết định tham gia cuộc chơi lớn là trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng thiết yếu, Kinh Đô đã có quá trình dài chuẩn bị nguồn lực, nền tảng vững chắc, cũng như hiểu rõ điểm mạnh và điểm thiếu của mình. Sở hữu thương hiệu mạnh, hệ thống phân phối rộng khắp, kinh nghiệm xây dựng quảng bá thương hiệu và năng lực quản trị hiệu quả, Kinh Đô cần hợp tác với một nhà sản xuất đủ năng lực để hoàn thiện năng lực cạnh tranh ở tất cả các khâu.

Thay vì tự đầu tư nhà máy sản xuất, Kinh Đô đã đi tìm kiếm nhà sản xuất để hợp tác. Ông Nguyễn Xuân Luân, Phó tổng giám đốc Kinh Đô chia sẻ: “Làm ra một gói mì thì dễ, nhưng làm ra mì ngon rất khó. Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, nhưng không thể đi đến hợp tác cho đến khi bắt tay cùng Saigon Ve Wong”.

Saigon Ve Wong là công ty con của Ve Wong - nhà xuất tại Đài Loan có 50 năm kinh nghiệm sản xuất mì gói, sản phẩm ăn liền, gia vị..., sản phẩm được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, Saigon Ve Wong cũng có bề dày hoạt động trong lĩnh vực mì ăn liền, gia vị, đồng thời là một doanh nghiệp có kinh nghiệm xây dựng nhà xưởng sản xuất các loại thực phẩm trên theo công nghệ hiện đại.

Trong liên doanh đầu tư nhà máy tại Bắc Ninh, Saigon Ve Wong chiếm tỷ lệ góp vốn 51%, sẽ chịu trách nhiệm chính về nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm theo đơn đặt hàng của Kinh Đô. Với liên doanh này, Saigon Ve Wong khẳng định sự gắn kết tránh nhiệm và quyền lợi trong sản xuất, cung ứng sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cho Kinh Đô. Còn Kinh Đô chủ động về nguồn cung, ổn định chất lượng sản phẩm, từ đó củng cố được hậu phương vững chắc để tập trung phát triển thị trường và thị phần.

Nhà máy đầu tiên đặt ở Bắc Ninh sẽ giúp Kinh Đô có lợi thế cạnh tranh để phát triển thị trường các tỉnh phía Bắc nhờ giảm chi phí vận chuyển. Theo kế hoạch, sau 6 tháng, nhà máy sẽ đi vào hoạt động, với công suất 6 triệu thùng sản phẩm/năm, dự kiến nâng lên gấp đôi vào năm 2017.

Theo ông Luân, liên doanh tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho Kinh Đô trong ngành thiết yếu, dựa trên việc tích hợp thế mạnh của hai bên về kinh nghiệm, quy mô sản xuất, giá thành, chất lượng sản phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu, hệ thống phân phối...

“Các nhà máy từ liên doanh này sẽ giúp đảm bảo nguồn cung, ổn định sản lượng và chất lượng sản phẩm. Đây là tiền đề để Kinh Đô tự tin đẩy mạnh hoạt động quảng bá, phân phối và mở rộng thị phần, hiện thực hóa mục tiêu Top 3 mà Công ty đã đặt ra”, ông Luân nhấn mạnh.

Sẽ ra mắt nhiều sản phẩm mới

Không chỉ sản xuất mì ăn liền, nhà máy của liên doanh sẽ sản xuất các sản phẩm khác theo 4 giai đoạn. Sau mì ăn liền và gia vị sẽ là sản phẩm cháo, nui, phở. Giai đoạn 3 sẽ phát triển thực phẩm ăn liền tiện dụng và giai đoạn 4 là nước chấm.

Ông Luân cho biết, cứ 3 tháng, Kinh Đô sẽ đưa ra thị trường một dòng sản phẩm mới. Theo lộ trình này, nước chấm thương hiệu Đại Gia Đình dự kiến sẽ ra mắt thị trường sau 1 năm nữa.

Các sản phẩm thực phẩm ăn liền tiện dụng của Ve Wong chưa từng có ở thị trường Việt Nam cũng sẽ được đưa vào phân phối trên hệ thống của Kinh Đô.

Ông Chen Kung Pin, Tổng giám đốc Ve Wong Đài Loan chia sẻ: “Liên minh hợp tác với Kinh Đô đánh dấu bước tiến mang tính lịch sử, tất yếu và đáp ứng được sự kỳ vọng của cả hai bên. Mối quan hệ được nâng lên tầm đối tác chiến lược là tiền đề và cơ sở vững chắc để mở rộng phát triển các dòng sản phẩm mới có chất lượng, tốt cho sức khỏe, phục vụ người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới”.

Ở ngành hàng khác là dầu ăn, vào tháng 6 tới, Kinh Đô sẽ chính thức tung ra thị trường sản phẩm dầu ăn mang thương hiệu Đại Gia Đình được sản xuất tại nhà máy của Vocarimex, công ty mà Kinh Đô đã đầu tư để tham gia ngành hàng này.

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kinh Đô cho hay, chiến lược M&A hoặc liên doanh, liên kết sẽ tiếp tục được thực hiện để Kinh Đô tích hợp đầy đủ lợi thế cạnh tranh cao nhất ở các ngành hàng. Thương vụ hợp tác với một đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu ăn sẽ sớm được Công ty công bố. Kinh Đô đang thực hiện những bước tiến nhanh và vững chắc để đạt được mục tiêu đặt ra.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn