Cơ cấu lại sản xuất một số sản phẩm, đầu tư vào sản phẩm trung cao cấp đã giúp các doanh nghiệp niêm yết ngành bánh kẹo tăng sản lượng tiêu thụ và giá bán.
Thời kỳ kinh tế khó khăn người ta nhắc nhiều đến lạm phát, thắt chặt chi tiêu, giảm tổng cầu. Tuy nhiên, thực tế kết quả kinh doanh của 3 doanh nghiệp niêm yết CTCP Kinh Đô (MCK: KDC), CTCP Bibica (MCK: BBC), CTCP Bánh kẹo Hải Hà (MCK: HHC) trên 2 Sở giao dịch Chứng khoán lại phản ánh một bức tranh khác của thời kỳ khó khăn: sản lượng tiêu thụ tăng, giá bán bình quân tăng, biên lợi nhuận gộp tăng.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm cho thấy, lợi nhuận trước thuế của 2/3 công ty tăng ngoại trừ KDC mẹ. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của BBC đạt 29,5 tỷ đồng, tăng 90%; HHC đạt 10,3 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2010. Riêng đối với KDC mẹ nếu loại trừ khoản lãi từ hoạt động đầu tư tài chính trong 9 tháng đầu năm 2010, thì 9 tháng đầu năm 2011 lợi nhuận từ ngành bánh kẹo, thực phẩm tăng 71% so với cùng kỳ năm trước.
Vậy yếu tố nào đã giúp các doanh nghiệp ngành bánh kẹo, thực phẩm ngọt vượt qua khó khăn chung của nền kinh tế?
Vay ngân hàng rất ít
Mặc dù chi phí lãi vay 9 tháng đầu năm 2011 tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ trọng chi phí lãi vay/doanh thu thuần ở mức rất thấp. Ngoài ra, so với các doanh nghiệp ngành hàng khác, khoản nợ vay của 3 doanh nghiệp này là không đáng kể.
Thêm vào đó, thu từ tiền gửi ngân hàng do dự trữ tiền khá lớn đã giúp các doanh nghiệp này bù trừ khoản chi phí lãi vay.
Vì vậy, chi phí vay thấp, tiền dự trữ cao có thể xem là một lợi thế đầu tiên trong thời kỳ kinh tế khó khăn của 3 doanh nghiệp bánh kẹo, thực phẩm ngọt.
Sản lượng tiêu thụ tăng
9 tháng đầu năm doanh thu thuần của 3 doanh nghiệp tăng từ 25,2% đến 34,4% là kết quả của sản lượng tiêu thụ tăng cùng giá bán bình quân tăng.
BBC trong quý II/2011 sản lượng tiêu thụ đã tăng 2%, giá bán bình quân tăng đên 15% so với quý II/2010; trong quý III/2011, giá bán bình quân tăng đến 23% so với cùng kỳ năm trước. KDC cũng tương tự khi sản lượng tiêu thụ bánh trung thu năm nay tăng hơn 10% so với mùa trung thu năm 2010 đã giúp cho doanh thu từ mặt hàng này năm 2011 tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt được điều này các doanh nghiệp đã “cơ cấu lại sản xuất một số sản phẩm và có thêm một số sản phẩm mới”. Cụ thể như BBC có dòng bánh Lottepie, bánh bông lan nhỏ, KDC có dòng bánh trà xanh chế biến từ 100% thành phần thực vật tự nhiên, sữa chua, sữa tiệt trùng Wel Grow; HHC có bánh trung thu Trăng vàng phú quý, bánh trứng sữa Sozoll, bánh mặn vừng dừa Coolte…
Biên lợi nhuận gộp tăng do cơ cấu lại dòng sản phẩm
Giá bán bình quân tăng, sản lượng tiêu thụ tăng trong khi đó giá vốn hàng bán tăng thấp hơn mức tăng của doanh thu đã giúp cho các doanh nghiệp cải thiện được biên lợi nhuận gộp. Nhưng để đạt được điều này, hầu hết các doanh nghiệp đã phải cơ cấu sản xuất một số sản phẩm và có thêm một số sản phẩm mới như đã trình bày ở trên.
Doanh nghiệp tập trung vào ngành nghề chính và tiến sâu hơn vào thị trường nhóm hàng trung, cao cấp. Còn nhớ đầu năm KDC xác định với đại hội đồng cổ đông của họ rằng, doanh thu kế hoạch tăng chủ yếu từ nhóm hàng cao cấp của KDC và KDC sẽ đầu tư mạnh vào sản xuất kem và các sản phẩm từ sữa, cũng như dây chuyền sản xuất bánh kẹo cao cấp. BBC xác định tập trung phát triển mạnh 3 nhóm sản phẩm chủ lực: Hura, Chocopie và kẹo cây.
Đối với KDC - doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp tăng mạnh nhất. Điều này có thể được giải thích bởi việc sáp nhập các công ty con làm tăng vị thế đàm phán của KDC bao gồm vị thế thị trường, cùng với khối lượng mua lớn đi cùng khả năng dự báo tốt sẽ tiết giảm rất lớn chi phí nguyên liệu đầu vào.
Ngoài ra, sau khi sáp nhập, việc điều phối nguyên liệu sản xuất giúp giảm thiểu lãng phí, các nguồn lực sẽ được quản lý chặt và phân bổ hiệu quả, hệ thống phân phối mạnh sẽ là cơ hội cho KDC tăng trưởng.
Rủi ro mang tên “tăng giá” và “lương”
Trong quý III/2011, chi phí bán hàng của BBC đã tăng 33%, tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu thuần quý III tăng thêm 3%. BBC cho biết: “chi phí bán hàng tăng chủ yếu do doanh thu tăng. Ngoài ra, do tình hình giá cả tăng nên một số chi phí mua ngoài cũng tăng như: chi phí vận chuyển, chi phí mặt bằng, dựng gian hàng trung thu, thuê kho.”
Tương tự với BBC, chi phí bán hàng trong 9 tháng đầu năm của KDC và HHC cũng tăng mạnh lần lượt ở mức 28,4% và 21% so với cùng kỳ năm 2010.
Việc điều tăng lương và điều chỉnh các khoản trích theo lương; hay điều chỉnh lương cơ bản qua lương công việc dẫn đến chi phí nhân viên tăng. Ngoài ra, các khoản chi phí trợ cấp thôi việc, hưu trí tăng, chi phí mua ngoài tăng do tình hình tăng giá chung….đã đẩy chi phí quản lý doanh nghiệp.
Dù cho mức tăng của chi phí bán hàng vẫn thấp hơn mức tăng của doanh thu thuần (KDC* và HHC), nhưng chi phí mua ngoài tăng giá, lương tăng trong khi tỷ trọng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trên doanh thu thuần là khá cao thì đây có thể xem là 2 yếu tố rủi ro đối với doanh nghiệp bên cạnh rủi ro về giá nguyên vật liệu đầu vào.
Một số chỉ tiêu khác:
Bài viết sử dụng báo cáo tài chính quý III/2011 của BBC, HHC và KDC* - KDC mẹ.
Link tải về:
Theo TTVN/HoSE/HNX/CafeF