Một người đã quá nổi tiếng và thành đạt như Trần Lệ Nguyên - CEO của Tập Đoàn Kinh Đô thì còn “lát cắt” gì mới mẻ để khai thác? Tôi đã mang tâm trạng đó tới cuộc hẹn và rút cục khám phá ra những doanh nhân bản lĩnh nuôi dưỡng khát vọng kinh doanh như vận động viên leo núi chinh phục độ cao, không chùn bước trước những khó khăn. Nhưng không vì thế mà ông đánh mất những thú vui giản dị, đời thường..

Mr. Tran Le Nguyen - CEO of Kinh Do

Phép Toán: “1”+ “1”+ “1” > 3

Nhận xét kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2011 của CTCP Kinh Đô (KDC), Báo cáo phân tích của CTCK HSC đã tiếp tục giữ đánh giá “vượt trội” với cổ phiếu KDC.

Năm 2011 với ông có ý nghĩa như thế nào?

Tôi đánh giá năm 2010 là bước ngoặt lịch sử với Kinh Đô khi sáp nhập CTCP Chế biến thực phẩm Kinh Đô Miền Bắc và CTCP Kido. Còn năm 2011 lại đóng vai trò năm bản lề chuyển tiếp các hoạt động của Kinh Đô thành một tập đoàn thực phẩm. Ngay năm đầu tiên theo mô hình mới, hoạt động của Tập đoàn đã cho trái ngọt, chứng tỏ quyết tâm sáp nhập để  tăng  hiệu  quả  hoạt  động,  tiết  giảm  chi  phí  là đúng đắn.

Trong năm qua, điều gì khiến ông hài lòng nhất về hoạt động của Tập đoàn?

Năm 2011, dự kiến tổng doanh thu của KDC đạt 4.200  tỷ  đồng,  tăng  trưởng  31%;  lợi  nhuận  trong hoạt  động  kinh  doanh  đạt  trên  500  tỷ  đồng,  tăng 45% so với năm trước, vượt kế hoạch đề ra. Khác với những năm trước, năm nay, lợi nhuận của Kinh Đô thuần túy đến từ kết quả kinh doanh chính, mà không có các thu nhập khác từ tài chính hay BĐS. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh có quá nhiều thách thức, các con số này có ý nghĩa rất lớn. Tôi tự hào vì trong giai đoạn khó khăn chung, thị phần của KDC vẫn được mở rộng; việc làm và thu nhập của CB- CNV vẫn được đảm bảo.

Vậy, những thành công này bắt đầu từ đâu, thưa ông?

Theo tôi, đó chính là sự hỗ trợ qua lại lẫn nhau giữa các công ty trong Tập đoàn. Sau khi sáp nhập, công ty mẹ đã hỗ trợ rất lớn cho các công ty con cả về quản trị lẫn tài chính. Đơn cử, con số tăng trưởng ấn  tượng  40%  của  Kido  không  thể  có  được  nếu không nhận được nguồn vốn hỗ trợ điều tiết từ Kinh Đô. Có thể nói, phép cộng 1 + 1 +1  đã cho kết quả lớn hơn 3.

Giới quan sát chỉ ra một biến chuyển thú vị là năm qua, lần đầu tiên, Kinh Đô thu hút rất nhiều nhân sự cao cấp từ các tập đoàn đa quốc gia. Anh đã thuyết phục họ thế nào để về đầu quân cho Công ty?

Tại sao không thử đặt vấn đề ngược lại là tự họ bị  thuyết  phục  về  môi  trường  làm  việc,  khả  năng tăng trưởng hay cá tính sáng tạo của riêng Kinh Đô? Hiện nay, chúng tôi ý thức phải tạo ra một không gian rộng lớn để thu hút chất xám. Sau sáp nhập và đặc biệt với chiến lược mở rộng trong thời gian tới, Kinh Đô sẽ có quy mô khá lớn, đòi hỏi phải được quản trị và điều hành một cách chuyên nghiệp nếu muốn tiếp tục phát triển.

Chiến lược tập trung vào ngành thực phẩm.

Vài  năm  trước,  dư  luận  ồn  ào  chuyện  Trần  Lệ Nguyên định mua máy bay riêng. Hỏi lý do vì sao chưa  thấy  máy  bay  của  ông  “cất  cánh”,  Trần  Lệ Nguyên thừa nhận đã từng có tham vọng đó nhưng quyết định thôi vì thấy không cần thiết, anh cũng bộ bạch  thẳng  thắn  ngay  rằng  trong  giai  đoạn  2006- 2007,  chứng  khoán,  BĐS  “hot”quá  khiến  doanh nhân như ông cũng cảm thấy choáng ngợp và lao vào đầu tư. Vì vậy, Kinh Đô mới có các cú vấp như năm  2008,  lợi  nhuận  âm  do  trích  lập  dự  phòng  tài chính, nhưng “tương lai Kinh Đô sẽ trung thành với kinh  doanh  thực  phẩm,  mục  tiêu  tăng  trưởng  20-30%/năm để cán đích doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2015, đó chưa kể đến doanh thu của việc sáp nhập thành viên mới”. Ông cũng không ngại chia sẻ về các dự định trong năm 2012 và say sưa nói về con đườngKinh Đô phải đi để đạt được mục tiêu trên.

Ông dự cảm ra sao về môi trường kinh doanh năm tới ?

Tôi đánh giá chính sách đang đi đúng hướng và môi trường kinh doanh sẽ ổn định trở lại. Lạm phát chắc chắn sẽ giảm và kéo lãi suất cho vay xuống mức chấp nhận được. Tới quý III/2012, các doanh nghiệp sẽ thấy sự thay đổi này. Vì vậy, năm 2012, KDC  vẫn  tự  tin  với  chỉ  tiêu  doanh  thu  dự  kiến  là 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 40%.

Điều gì khiến ông vững tin với một kế hoạch như vậy?

Sau sáp nhập, chuỗi sản phẩm hàng ngang của Tập đoàn đã mở rộng từ bánh kẹo sang nhiều chủng loại mới phong phú như kem, sữa chua, sữa nước. Về hiệu quả kinh doanh, nhờ đa dạng hoá sản phẩm nên lợi nhuận của Kinh Đô đang thoát ly dần khỏi ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ. Không dừng lại ở đây, trong tương lai, chuỗi sản phẩm của Tập đoàn Kinh Đô  sẽ  tiếp  tục  mở  rộng  sang  các  sản  phẩm  thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày, giúp Tập đoàn tăng trưởng khoảng 20 - 30%/năm.

Các phân khúc sản phẩm này cũng đang diễn ra các cuộc so găng quyết liệt. Vậy Kinh Đô đã có chiến lược cạnh tranh ra sao ?

Muốn thành công bắt buộc phải nghĩ khác mọi người.  Tôi  không  tin  ngành  thực  phẩm  có  những phân khúc sản phẩm không có chỗ cho những người mới.  Sản  phẩm  mới  của  Kinh  Đô  hướng  vào  phân khúc trung cao cấp với sự độc đáo riêng. Sản phẩm phải mang tính sáng tạo và phải thực sự khác biệt.

Còn chiến lược thời thượng hiện nay là M&A các doanh  nghiệp  cùng  ngành,  Kinh  Đô  có  đi  theo hướng đó ?

Không loại trừ khả năng này nhưng Kinh Đô chỉ thực hiện thâu tóm các công ty đang hoạt động hiệu quả  hoặc  có  tiềm  năng  nhằm  giúp  Tập  đoàn  mẹ tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Thực tế, trong hoạt động M&A ở thị trường nội địa, Kinh Đô đã đi tiên phong với  các  thương  vụ  như  mua  lại  kem  Walls  (năm 2004),  mua  trên  35%  cổ  phần  của  Tribeco  (năm 2005)…  và  nếu  có  thương  vụ  chưa  như  ý,  tôi  nghĩ cũng  hoàn  toàn  bình  thường.  Cần  nói  thêm  rằng, Kinh Đô đang xem xét việc thoái vốn khỏi một số công ty liên kết để tập trung mọi nguồn lực chuẩn bị cho  các  kế  hoạch  sắp  tới.  Trong  kinh  doanh,  thất bại là ngọn lửa rèn luyện bản lĩnh, vũ khí quan trọng nhất của doanh nhân trên chốn thương trường.

Khả năng nấu nướng không kém đầu bếp khách sạn 5 sao !

Trần  Lệ  Nguyên  tâm  sự,  mục  tiêu  của  kinh doanh  là  để  kiếm  tiền  và  của  cải  vật  chất  là  một trong  các thước  đo  của  sự  thành  công.  Nhưng  đó không phải là thước đo duy nhất cũng như việc ông kinh doanh không phải vì mục tiêu kiếm được nhiều tiền  hơn  mà  xuất  phát  từ  đam  mê  đã  ngấm  vào máu. Ông nói, lĩnh vực thực phẩm có sự cuốn hút đặc biệt đến mức ngoài việc “chèo lái” một tập đoàn thực phẩm hàng đầu Việt Nam, về nhà, ông vẫn vào bếp và khả năng nấu nướng không thua kém gì đầu bếp của khách sạn 5 sao (!)

Ông có thú tiêu khiển gì sau những căng thẳng ở chốn thương trường?

Tôi có sở thích khám phá hương vị các món ăn. Khi  được  nếm  một  món  ngon,  tôi  cảm  nhận  được nguyên  liệu  và  cách  nấu  của  người  đầu  bếp.  Về nhà, tôi tự mày mò tìm công thức và học cách chế biến. Cũng may bây giờ có internet hỗ trợ nên tôi tiếp cận với các công thức nấu ăn  khá dễ dàng. Tôi đã  tự  học  và  giờ  có  thể  nấu  nhiều  món  ăn  theo phong cách ẩm thực Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các nhân viên của Tập đoàn đã từng được tôi mời tới nhà riêng để ăn một bữa cơm do đích thân CEO làm bếp trưởng. Tôi cũng tự mình đứng bếp để thiết đãi bạn bè và đối tác của tôi vào những ngày cuối tuần.

Vợ ông hẳn là người phụ nữ rất hạnh phúc vì điều đó?

Cảm giác đó chắc chắn không phải là lúc vợ tôi nếm các món ăn lần đầu tôi thử nghiệm, nhất là lỡ hỏng. Ngay cả khi thưởng thức một món ngon do tôi nấu, bà ấy vẫn tiên đoán, dù tôi là CEO của Kinh Đô thì  mở  tiệm  ăn  cũng  sẽ  sớm  sập  tiệm,  vì  tuy  đạt được  tiêu  chuẩn  ngon  miệng  và  bổ  dưỡng,  nhưng món ăn lại có giá thành quá cao.

Ngày Tết khi các sản phẩm của Kinh Đô tỏa đi 4 phương mang lại niềm vui cho muôn nhà thì ông thường làm gì?

Mỗi khi Xuân về, gia đình tôi giữ thói quen rong ruổi trên dặm đường thiên lý. Sau một năm làm việc căng  thẳng,  một  chuyến  du  lịch  bên  những  người thân là cách để các thành viên gia đình tôi xích lại nhau  gần  hơn.  Còn  thường  ngày,  công  việc  kinh doanh  dù  căng  thẳng  đến  mấy,  nhưng  đã  về  đến nhà là tôi bỏ lại tất cả ngoài cánh cửa.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán